Chiều 12/11, mạng xã hội lan truyền clip nhóm học sinh xông vào đánh một học sinh nữ tại hàng lang trường học. Sự việc sau đó được xác định xảy ra tại Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội vào chiều thứ 6, ngày 10/11.

Nạn nhân là em H, học sinh lớp 6. Trong số các học sinh tham gia vụ bạo hành, người mặc áo trắng quần đùi đánh em nhiều nhất đã không còn đi học. Thời điểm xảy ra vụ hành hung là sau giờ học, học sinh và giáo viên đã ra về.

Một giáo viên ở lại muộn nghe thấy tiếng kêu khóc đã phát hiện ra và báo cho Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh. Ngay sau khi nghe học sinh kể lại sự việc, nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ bạo lực, nhà trường lập tức báo công an đến trường phối hợp giải quyết. Nạn nhân được cô giáo và gia đình đưa đến Bệnh viện Nông nghiệp I kiểm tra sức khoẻ.

Theo lời mẹ H., đây không phải lần đầu tiên em H. bị đánh. Trước đó, H cũng từng bị một bạn trong nhóm này đánh em chảy máu mồm, nhà trường  đình chỉ học 3 ngày.

anh bai hoc duong.jpg
 Cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành học đường với mức độ nghiêm trọng. Gần đây nhất là vụ việc tại Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Một học sinh lớp 7 bị nhóm học sinh cùng khối đánh tập thể nhiều lần dẫn tới rối loạn tâm thần, mất nhận thức.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định, bạo lực học đường không biến mất, bạo lực học đường chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. “Người ta vẫn thường nghĩ rằng phải có "tác động vật lý" mới được coi là bạo lực học đường, nhưng không biết rằng, giờ đây còn có bạo lực mạng, bạo hành tâm lý,... đang âm ỉ trong gia đình, nhà trường”, thầy Hoà nói.

Theo thầy Hoà, bạo lực học đường hiện nay gây ra nhiều bức xúc không chỉ với phụ huynh học sinh, những người làm công tác giáo dục mà cả cộng đồng xã hội. Bạo lực học đường là vấn đề xã hội không thể giảm ngay, vì thế cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội đặc biệt là nhà trường để giảm thiểu tình trạng này.

Theo đó, ở mỗi trường học việc giáo dục lối sống, phong cách sống cho trẻ cần được lồng ghép ở tất cả các bộ môn. Thầy Hoà cho biết, tại hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà trường luôn quán triệt chủ trương dạy học là dạy làm người chứ không phải kiến thức. Giáo viên cung cấp kiến thức cho trẻ cũng nhằm dạy người chứ không phải chỉ có kiến thức.

Ngoài ra, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có chương trình giáo dục lối sống riêng do tổ tâm lý, tổ giáo dục công dân và tổ pháp luật, các thầy cô giáo chủ nhiệm, đoàn đội tham gia.

Từ kinh nghiệm của trường mình, theo thầy Hoà, để hạn chế nạn bạo lực học đường, ông cho rằng phải tăng cường đưa tâm lý học vào trường học. Theo đó, ông đề xuất nên có biên chế chuyên viên tâm lý học đường cho tất cả. Kiến thức tâm lí giáo dục sẽ giúp nhà trường kịp thời nắm bắt, tư vấn tâm lí cho học sinh.

Ông cũng nhấn mạnh: giáo viên và cán bộ quản lý cần phải được bồi dưỡng về kiến thức tâm lí trường học, được tập huấn về giá trị sống và kỹ năng sống. Từ đó có những ứng xử phù hợp với học sinh thời đại mới.

Bổ sung thêm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để phòng ngừa bạo lực học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội.

Theo đó, về phía nhà trường, cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để có thể xác định được những em đang gặp phải vấn đề tổn thương về sức khỏe tinh thần, hay có nguy cơ về những vấn đề về tâm lý, hành vi có khả năng dẫn tới bạo lực. Phải có chương trình phòng ngừa nói chung, trong đó, giáo dục các em về giá trị sống tích cực, có kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, theo PGS. TS Trần Thành Nam, cần có chương trình giáo dục cho cha mẹ, giáo viên về cách quản lý lớp tích cực, và ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm mẫu hình bạo lực cho con cái. Theo đó, phải đưa vào nguyên tắc ứng xử trong nhà trường những giá trị yêu thương, tôn trọng từ lớp học cho tới nhà ăn.

Gia đình, tổ chức địa phương cũng phải tham gia vào chương trình này. Bởi bạo lực không chỉ xảy ra trong trường mà có thể từ nhà đến trường, hoặc trên mạng Internet… Tất cả mọi người đều phải chung tay để làm cho môi trường của các con được an toàn hơn.

 Nguyễn Hạnh