Gần 25 năm sau khi bị bắt cóc, một chàng trai đã được đoàn tụ với gia đình của mình nhờ sự trợ giúp của công nghệ nhận diện khuôn mặt của AI. Câu chuyện xảy ra ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Xie Qingshuai bị bắt cóc vào tháng 1/1999 trong lúc bị bỏ ở nhà một mình khi mẹ ra ngoài mua tạp hóa. Gia đình anh đã dành nhiều thập kỷ sau đó để tìm kiếm con trai. Ban đầu, họ đi khắp tỉnh Hà Bắc, sau đó sang các tỉnh lân cận và cuối cùng là đi khắp nơi trên cả nước.
Cuộc tìm kiếm của gia đình anh đã gây chú ý vào năm 2022 khi họ treo giải thưởng 200.000 nhân dân tệ (gần 700 triệu đồng) cho bất kỳ ai cung cấp được manh mối hữu ích về con trai họ và tặng thưởng 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng) cho ai tìm ra Qingshuai.
Ngày 27/11 mới đây, cảnh sát địa phương ở tỉnh Hà Bắc, bằng cách sử dụng phần mềm do công ty AI Deepglint có trụ sở tại Bắc Kinh phát triển, đã nhận diện thành công Xie Qingshuai. Bước đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo này đã dẫn đến một cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc vào tuần trước của cả gia đình, nơi người cha – ông Xie Kefeng ôm lấy cậu con trai 25 tuổi của mình – một thanh niên đang làm công việc cải tạo nội thất ở Thành Đô.
Ông Xie Kefeng đầy xúc động chia sẻ với báo chí: “Tôi đã chờ đợi ngày này suốt 25 năm”. Được biết, gia đình ông nhận được kết quả DNA vào ngày 28/11 xác nhận rằng Xie Qingshuai thực sự là đứa con trai thất lạc của họ. Quá choáng ngợp trước diễn biến của sự việc, Qingshuai chỉ nói rằng anh vẫn cần thời gian để thích nghi với thông tin này.
Trong một bài đăng trên nền tảng Weibo, công ty Deepglint đã giải thích “thuật toán so sánh khuôn mặt giữa các độ tuổi” của họ đóng vai trò then chốt như thế nào trong việc tìm ra Xie Qingshuai.
“Hầu hết trẻ em bị bắt cóc, bị tách khỏi gia đình khi còn nhỏ, đều trải qua những thay đổi đáng kể về ngoại hình, từ đó đặt ra thách thức cho các cuộc điều tra của cảnh sát” – đại diện công ty cho hay.
Trong khi đó, thuật toán của Deepglint, dựa trên các mối quan hệ di truyền, được thiết kế để xác định sự tương đồng cao về đặc điểm khuôn mặt giữa những người họ hàng. Với công nghệ này, ngay cả khi có rất ít thông tin về diện mạo hiện tại của người mất tích, người ta vẫn có thể thu hẹp và xếp hạng các kết quả tiềm năng một cách hiệu quả để hỗ trợ việc tìm kiếm.
“Trong trường hợp của Qingshuai, chúng tôi trực tiếp sử dụng ảnh của bố mẹ và con trai lớn của họ để so sánh và tìm thấy Xie Qingshuai trong số 5 bức ảnh phù hợp nhất”. Công ty cũng nói thêm rằng Qingshuai là người thứ tư mà họ đã giúp cảnh sát tìm ra trong vòng 6 tháng qua.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, cùng với dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc tìm ra những người bị bắt cóc và mất tích ở Trung Quốc.
Năm 2017, gã khổng lồ công nghệ Baidu đã hợp tác với “Baby Come Home”, một nền tảng tìm kiếm gia đình hàng đầu, để tinh chỉnh hệ thống so sánh khuôn mặt giữa các độ tuổi bằng cách sử dụng hơn 20.000 mảnh dữ liệu từ nền tảng này.
Năm sau đó, Mạng lưới Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia, thuộc Bộ Nội vụ Trung Quốc, đã hợp tác với Baidu để giới thiệu chức năng so sánh khuôn mặt, cho phép người dùng tải ảnh của người thân mất tích lên để tìm kiếm những trường hợp tiềm năng. YouTu Lab của Tencent cũng từng phát triển một công nghệ tương tự để hỗ trợ cảnh sát trong việc tìm kiếm người mất tích.
Theo các thông tin trên tờ China Daily, cảnh sát tỉnh Phúc Kiến đã tìm thấy hơn 500 người mất tích trong vòng 6 tháng qua kể từ khi triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt của YouTu Lab.