Bà mẹ trẻ Rơ Châm Alơng, sống tại làng A Mơng, xã La Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai là một trong những người được hưởng gói trợ cấp sinh sản theo Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Khi mang thai, chị được chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ, tư vấn dinh dưỡng bà bầu. Trẻ sơ sinh chào đời, em bé được khám sàng lọc, tiêm phòng và tặng bỉm. 

Hàng tháng, cán bộ của trạm y tế xã cũng kiểm tra theo dõi và thông báo lịch tiêm phòng định kỳ cho trẻ, hướng dẫn cả cách cho con bú bằng sữa mẹ, bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, tổ truyền thông cộng đồng của thôn còn hướng dẫn tư vấn và phát tờ rơi về các biện pháp phòng tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

cham soc sk dongbao dan toc.png
Giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em DTTS là nhiệm vụ rất quan trọng. Ảnh minh họa

Trang bị kiến thức và tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn

Theo thống kê của Sở Y tế, tỷ lệ sinh con tại nhà của tỉnh Gia Lai năm 2022 là 14,04%, năm 2023 là 11,32% và 6 tháng đầu năm 2024 đạt 9,32%. Do đó, việc truyền thông vận động phụ nữ DTTS đến sinh con tại cơ sở y tế cũng như chăm lo sức khỏe phụ nữ và trẻ em luôn được tỉnh quan tâm.

Tháng 8 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức chiến dịch truyền thông vận động phụ nữ DTTS đến sinh con tại cơ sở y tế cho 150 hội viên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và chăm sóc con nhỏ dưới 6 tuổi tại huyện Mang Yang.

Chiến dịch hướng đến trang bị thêm thông tin, kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trong thời gian thai kỳ, sinh con và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Đồng thời, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em DTTS được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em.

Chiến dịch còn tổ chức tuyên truyền lưu động về gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Nỗ lực tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả bước đầu 

Tại Gia Lai, việc triển khai, thực hiện Dự án 8 được UBND các huyện, thị xã quan tâm, chỉ đạo sát sao Hội Liên hiệp phụ nữ và các ban, ngành phối hợp thực hiện Dự án.

Sự tham gia, phối hợp trách nhiệm, nghiêm túc của các cấp chính quyền và các ban, ngành đã góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án. Hội LHPN huyện đã phát huy vai trò chủ trì tham mưu, nỗ lực tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả bước đầu về các chỉ tiêu cốt lõi của Dự án.

Theo đó, năm 2023, 128 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động, đạt tỷ lệ 100%; 0/3 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường (chưa triển khai);

48/24 Địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có/hoặc thành lập mới, đạt tỷ lệ 200%; 80% phụ nữ thuộc nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn;

35/35 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động, đạt tỷ lệ 100%; 42/87 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đạt tỷ lệ 48,27%;

136/200 cán bộ nữ DTTS cấp huyện, cấp xã (gồm: cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu) được tập huấn nâng cao năng lực phù hợp đạt tỷ lệ 68%.

Như vậy, có 3/7 chỉ tiêu triển khai đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn 4/7 chỉ tiêu chưa đạt như: chưa thực hiện hỗ trợ tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường vì Trung ương chưa làm điểm; đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản đạt 48,27%;

Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị (68%); phụ nữ thuộc nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn chưa đánh giá được.

Trong năm 2024, tỉnh Gia Lai đề ra một số chỉ tiêu Dự án 8 cần đạt được như: Thành lập và duy trì tổ truyền thông cộng đồng: 68 tổ; Hỗ trợ tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ: 17 tổ/nhóm/HTX; Thành lập CLB thủ lĩnh của sự thay đổi: 19 CLB; Củng cố, nâng chất lượng/hoặc thành lập mới Địa chỉ tin cậy cộng đồng: 1 địa chỉ.