Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 2,58 tỷ USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nhóm mặt hàng này tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn sau khi kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong quý I/2023.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng thủy sản chủ lực đều tăng trưởng âm. Đơn cử, xuất khẩu tôm giảm 37,4%, cá tra và basa giảm 35,5%, cá ngừ giảm 30,3%, chả cá giảm 21,1%, mực giảm 10,9%, các loại cua giảm 31,8%, ghẹ giảm 57,4%, sò giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2022...
Ngược lại, quý I năm nay, một số mặt hàng thủy sản có kim ngạch tăng trưởng đột biến. Trong đó, xuất khẩu ốc thu về 3,7 triệu USD, tăng 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu hàu đạt hơn 3,6 triệu USD tăng 76,3%; xuất khẩu trứng cá đạt gần 14,8 triệu USD, tăng 32,6%...
Đặc biệt, bong bóng cá vốn là phụ phẩm của ngành thủy sản được các doanh nghiệp tận dụng chế biến thành hàng khô phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nay kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Trong quý I năm nay, nước ta xuất khẩu 51 tấn bong bóng cá, thu về gần 2,07 triệu USD, tăng 63,1% về lượng và tăng 56,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Bong bóng cá cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trung bình cao nhất trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Hiện, 1kg bong bóng cá xuất khẩu có giá 40,4 USD/kg (khoảng 950.000 đồng/kg).
Trên thị trường, mặt hàng bong bóng cá (hàng khô) được rao bán la liệt với mức giá vô cùng đắt đỏ.
Đơn cử, trên sàn thương mại điện tử, bong bóng cá basa loại đẹp được rao bán với giá 160.000 đồng/100gram (1,6 triệu đồng/kg), các loại khác giá dao động từ 450.000-900.000 đồng/kg; bong bóng cá chẽm giá 350.000-690.000 đồng/100gram (3,5-6,9 triệu đồng/kg); bong bóng cá kết 2,1 triệu đồng/kg; bong bóng cá đường giá 16,4 triệu đồng/kg...
Bong bóng cá khô thường được mọi người mua về để chế biến thành các món súp, xào dưa hay rau củ, nấu canh, làm chả.