- Thành phố Hà Nội đã có Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”. Ngay sau đó, Sở Giao thông Vận tải đã lên một kế hoạch hành động chi tiết để thực thi hiệu quả nhất.

Báo động tắc đường và ô nhiễm

Theo số liệu từ Sở Giao thông Vận tải, tính đến cuối năm 2016, Hà Nội có 5,2 triệu xe máy, 486 nghìn xe ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp và 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10-15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động). Tốc độ tăng trưởng bình quân của ô tô là 10,2% và xe máy là 6,7%.

Số lượng các phương tiện tăng nhanh, trong khi đó tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 3,85%/năm. Diện tích đất dành cho thông còn thấp, mới đạt 8,65% đất xây dựng đô thị, đã tạo áp lực lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông, làm gia tăng tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Hà Nội hiện còn khoảng 40 điểm thường xuyên ùn tắc. Quan sát tại những điểm ùn tắc cho thấy, xe ô tô con chiếm 14,38% về số lượng, chiếm dụng 42,18% diện tích mặt đường; xe máy chiếm từ 70-80% về số lượng và chiếm 43,62% mặt đường. Cả ô tô con cá nhân, xe máy chiếm 85,8% diện tích mặt đường.

Theo các số liệu quan sát được, trong năm 2016, tại khu vực vành đai 3, trên 1 km đường có 3.761 chiếc xe máy và 261 ô tô con. Khi dừng 1 chiếc xe máy chiếm 1,4m2, xe con chiếm 8m2. Khi di chuyển 1 chiếc xe máy chiếm 4,8m2 còn ô tô con chiếm 15,8m2. Như vậy, chỉ cần xếp 60% số xe máy và ô tô con, khi đỗ đã chiếm 126,7% diện tích đường và di chuyển sẽ chiếm 317,7% diện tích đường.

Còn tại các khu vực khác, nếu xếp 60% số ô tô, xe máy trên hệ thống đường bộ hiện hữu thì đã chiếm 46% diện tích mặt đường; nếu lưu thông trong đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng mặt đường vượt 134%. Hệ thống giao thông đang trở nên quá tải, thời gian ùn tắc ngày càng có xu hướng kéo dài.

{keywords}
Hà Nội hiện còn khoảng 40 điểm thường xuyên ùn tắc.

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường không khí đang ở mức báo động. Chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI trung bình của Hà Nội đo vào tháng 3/2017 là 123, thuộc nhóm không khí chất lượng kém. Nồng độ bụi mịn PM 2,5 cao gấp 5 lần ngưỡng trung bình, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Hoạt động  giao thông vận tải được xác định là nguyên nhân chính, gây ảnh hưởng lớn, chiếm đến 70% ô nhiễm môi trường không khí.

Theo dự báo, số lượng phương tiện cá nhân sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể tới năm 2020, số ô tô sẽ tăng lên 843 nghìn chiếc, xe máy 6.1 triệu chiếc, năm  2025, ô tô là   1.45 triệu chiếc và xe máy là 7 triệu chiếc và năm 2030 ô tô là 2 triệu chiếc và xe máy là 7,5 triệu chiếc.

Tốc độ gia tăng phương tiện cũng như nhu cầu đi lại của người dân cao, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (cả chiều dài và diện tích đường) thấp hơn. Do vậy, cần phải triển khai các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ. Nếu không, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Giải quyết ùn tắc và ô nhiễm

Theo Đề án, để giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp:

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kế hoạch của TP, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó tập trung triển khai nhanh các tuyến đường sắt đô thị, các công trình giao thông đô thị trọng điểm, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả VTHKCC. Đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt đô thị và các tuyến buýt nhanh (BRT). Mở rộng phát triển phương tiện xe buýt với sức chứa khác nhau, sử dụng nhiên liệu sạch, kết nối với các tỉnh xung quanh. Bên cạnh đó là phát triển hợp lý các loại hình VTHKCC khác như: xe hợp đồng, xe trung chuyển, xe đạp công cộng, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ... Tăng cường kết nối hệ thống VTHKCC đến các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân sử dụng.  

Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm. Với ô tô, sẽ phân làn, phân luồng, theo hướng ưu tiên cho các loại hình VTHKCC, đặc biệt là xe buýt nhanh BRT. Với xe máy, sẽ nghiên cứu dừng hoạt động trên một số tuyến trục chính và trên địa bàn một số quận vào giai đoạn 2025-2030; dừng hoạt động trên địa bàn các quận vào năm 2030. Giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy, tăng cường xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường, thuộc các tuyến phố nội thành, tiến tới cấm sử dụng vỉa hè để trông ô tô xe máy.

Tập trung bố trí hợp lý giao thông tĩnh, phục vụ việc kết nối thuận tiện giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng. Tổ chức di dời bến xe, cơ quan, trường học, bệnh viện ra ngoại thành, theo quy hoạch. Ưu tiên sử dụng quỹ đất dành cho mục đích công cộng như công viên cây xanh, bãi đỗ xe, điểm trung chuyển…

Ứng dụng công nghệ thông tin, trong quản lý điều hành toàn bộ hệ thống giao thông của TP. Phát triển giao thông thông minh. Quy định các loại ô tô phải lắp đặt trang thiết bị để thu phí tự động khi vào nội thành.

Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, đến thời điểm này, 6 nhóm giải pháp nêu trên đang được triển khai thực hiện đồng bộ, theo lộ trình, rất quyết liệt và nghiêm túc. Mục tiêu hướng đến là quản lý hiệu quả giao thông, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cho biết, đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường. Đưa Thủ đô trở thành Thành phố xanh sạch đẹp, văn minh từ nay tới năm 2030.

Ngày 4/7/2017, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”.

Đây là công cụ hữu hiệu, giúp vận hành giao thông một cách có trật tự, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng, giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường.

Sau khi Đề án được thông qua, ngày 28/9/2017, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND, thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND TP. Theo đó, đã giao nhiệm vụ cho các địa phương phổ biến, quán triệt đến toàn bộ cán bộ và người dân, để hiểu rõ về nội dung của Đề án. Xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện và phân công tổ chức thực hiện.

Tới ngày 9/11/2017, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 890/KH-SGTVT, để thực hiện Đề án, giao nhiệm vụ cho các phòng ban chức năng, phối hợp cùng các cơ quan liên quan, đề ra lộ trình, kế hoạch cụ thể với từng nhiệm vụ.

Hoàng Xuân