Tính linh thiêng trong ngôn ngữ Mo

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Nợi khẳng định, một trong những giá trị văn học to lớn của Mo Mường là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một trong những vấn đề cơ bản nhất của Mo Mường. Có thể so sánh như viên gạch là đơn vị cấu thành những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ và ngôn ngữ là chất liệu cấu thành nên những tác phẩm văn học nói chung, trong đó có Mo Mường nói riêng.

Ngôn ngữ Mo Mường kết tinh từ tiếng nói quen thuộc của nhân dân, trong đó không thể thiếu vai trò của nhiều thế hệ các “chàng trò mo trượng” đã không ngừng tiếp nối, giao thoa, sáng tạo, làm nên những áng Mo Mường bất hủ, tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm. Trong quá trình sáng tạo, ngôn ngữ Mo Mường có những đặc điểm trở thành giá trị văn học đặc sắc rất đáng chú ý sau đây. Ngôn ngữ Mo Mường là ngôn ngữ Mường Việt cổ.

(Ảnh minh hoạ: Quang Vinh).

"Ngôn ngữ Mo có tính trừu tượng, huyền ảo, vừa thực vừa hư. Trong quá trình lịch sử dân tộc, qua lao động sáng tạo không ngừng để chinh phục thiên nhiên, nhân dân đã đặt tên cho các loài động thực vật và nó đều có mặt trong Mo Mường. Quá trình đặt tên ấy là quá trình nhận thức ban sơ về thế giới tự nhiên của con người. Con người Mường Việt xưa vừa sống phụ thuộc nhưng đồng thời cũng hòa hợp với tự nhiên, cải tạo tự nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ cho cuộc sống sinh tồn và không ngừng phát triển của mình.

Cách nói thông thường nhất trong Mo là nói ví von từ xa đến gần rồi mới dần dần hé mở đến sự vật, hiện tượng muốn nói đến. Cũng đoạn Mo trên, ta thấy ông Mo không nói ngay đến người mất mà nói từ trăng sao, ao cá, lá cây, mây nước rồi mới nhắc đến từ ám dụ tên sau. Điều đó càng chứng tỏ tính linh thiêng trong ngôn ngữ Mo", ông Nợi phân tích.

Chính vì thế, ông Nợi khẳng định, ngôn ngữ Mo chân thật, chất phác. Có những từ cổ khó nắm bắt nhưng lại là những viên ngọc quý. Lại có những ngôn từ, địa danh, nhân vật vừa thực vừa ảo ở khắp ba tầng bốn thế giới trong thế giới quan của người Mường. Cách nói thông thường phổ biến nhất là ví von từ xa đến gần, thể hiện ý tứ sâu xa.

"Muốn nghiên cứu Mo, trước tiên cần hiểu ngôn ngữ Mo. Muốn hiểu hiểu ngôn ngữ Mo thì cần gắn với văn cảnh, môi trường diễn xướng và cảm nhận. Đặc biệt là tìm những câu nói hàng ngày của nhân dân có gắn với từ ngữ. Từ đó làm nổi bật hồn thiêng sắc thái Mo Mường qua ngôn ngữ thể hiện. Ngôn ngữ Mo Mường là tiếng nói muôn đời của tổ tiên, là hồn thiêng sông núi, là ngôn ngữ sử thi hàng đầu Đông Nam Á, sánh tầm nhân loại, đáng được gìn giữ và vinh danh", ông Nợi cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là tiếng Mường hay như vậy, ngôn ngữ Mo hay như vậy nhưng không được thể hiện qua chữ viết truyền thống của người Mường. Điều lo lắng nữa là tiếng Mường nói chung, Mo Mường nói riêng có nguy cơ thất truyền ở các thế hệ tiếp theo.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Nợi cho rằng, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Mường, trong đó có ngôn ngữ Mường và ngôn ngữ Mo Mường là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai không chỉ các cơ quan văn hóa, giáo dục mà của toàn xã hội. Đòi hỏi toàn xã hội cùng chung vai gánh vác, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm để kho tàng văn hóa quý báu này được vinh danh và trường tồn cùng dân tộc.

Ông Mo Mường, người nghệ sĩ diễn xướng

PGS-TS Kiều Trung Sơn - Viện Nghiên cứu văn hóa, cho biết nghi lễ tang ma của người Mường bao gồm một chuỗi các lễ thức được thực hiện theo một trình tự chặt chẽ. Mỗi một lễ thức, nhìn dưới góc độ nghệ thuật biểu diễn là một tác phẩm trình diễn tổng hợp, trong đó chủ đạo là nghệ thuật diễn xướng. "Toàn bộ chất lượng nội dung cũng như nghệ thuật của lễ thức do ông Mo đảm nhiệm và đồng thời ông Mo cũng là người diễn xướng. Như vậy, ông vừa là đạo diễn chương trình nghệ thuật, vừa là nghệ sĩ biểu diễn chính trong tác phẩm trình diễn nghệ thuật đó", ông Sơn nói.

Cũng theo TS Kiều Trung Sơn, mỗi lễ thức trong tang lễ Mường, nhìn từ góc độ nghệ thuật sân khấu, là một hoạt cảnh. Thêm vào đó, xét từ khía cạnh âm nhạc, trong nghi lễ tang ma Mường có 2 bộ phận là ban nhạc đám và bộ trống chiêng. Hai bộ phận âm nhạc này chơi theo kiểu cùng chơi mà không phải là hòa tấu. Yếu tố âm nhạc theo suốt quá trình nghi lễ, nhưng không phải liên tục mà tùy từng thời điểm của các lễ thức và theo điều hành của ông Mo Mường.

"Điều thường thấy trong một tang lễ Mường (cũng như các lễ tang nói chung ở Việt Nam), những người đi viếng chỉ thực hiện việc đặt lễ, thắp hương tiễn biệt người chết, chia buồn với người sống, ít để ý xem ông Mo Mường thực hiện lễ thức thế nào. Những ai chưa rõ ông Mo Mường điều hành nghi lễ tang ma ra sao, nếu có dịp tới thăm viếng một tang lễ Mường, thử kiên trì ngồi lại quan sát xem những gì ông Mo thực hiện có đúng với danh tính “vị tổng đạo diễn kiêm nghệ sĩ” mà chúng tôi đặt cho ông hay không", ông Sơn chia sẻ.

Bài 4: Chung tay bảo vệ Mo Mường