Người Mường quan niệm chết chưa phải là đã hết. Quan niệm của người Mường trong vũ trụ có ba tầng thế giới liên quan với nhau: Thế giới của Mường trời; thế giới của người đang sống; thế giới Mường ma. Nên trước khi chết, người Mường phải làm lễ Mo tang ma để đưa linh hồn người mất về với “chạ đống”, về với tổ tiên, để làm ăn ở một thế giới khác và phù hộ cho con cháu ở cõi trần gian, có cuộc sống an lành.

Mo tang lễ - sử thi hoàn thiện nhất, toàn bích nhất về Mo Mường

Mo tang ma có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là lần cuối cùng con cháu, người thân được báo hiếu với người đã mất. Thông qua lời kể của ông Mo đã phác họa ra con đường dành riêng cho người chết, họ đi lên trời trải qua 8 chặng đường gian khổ, họ phải trải qua các chặng đường sông đi thuyền trên sông, đi bộ lên tận đỉnh trời, đi gặp họ hàng đã mất ở các nghĩa địa, rồi lại trở về nhà ăn cơm rượu con cháu dâng lên. Nhận đồ đạc sau đó ra nghĩa địa nhận bàn giao đất ở. 

Người Mường thường sử dụng mo trong các nghi lễ.

Nội dung nghi lễ tang ma cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới ba Mường: mường Trời, mường Đất, và mường Nước. Mối quan hệ thế giới ba Mường ấy được Mo Mường chứng minh nó có từ thuở: Cành bung xung (cành có nhiều lá thành tán rộng) có tiếng đàn bà con gái / Cành chọc trời biến nên cật đứa cái (người lớn) / Là ông Thu Tha / Cành bung xung biến nên cật đứa con mái (con gái) / Là bà Thu Thiên (tên người, đặt ra để tượng trưng cho sự thiêng liêng thần bí nào đó) / Ông Thu Tha, bà Thu Thiên / Ra truyền: làm nên đôi lứa. 

Mối quan hệ trong tâm tưởng ấy đã giúp người Mường xây dựng nên nền văn học dân gian Mường, nền văn học tín ngưỡng Mường. Tiêu biểu cho nền văn học tín ngưỡng Mường là văn học Mo Mường với sử thi Đẻ đất đẻ nước. Và bộ sử thi Đẻ đất đẻ nước hoàn thiện nhất, toàn bích nhất, đầy đủ nhất chỉ có thể có trong Mo tang lễ. 

“Với tầm quan trong như thế của Mo tang lễ, chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tìm cách phục hưng Mo tang lễ, làm cho Mo tang lễ tồn tại và duy trì trong đời sống xã hội người Mường. Và sự thực, có giữ được Mo tang lễ, mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong Mo Mường. Nghệ thuật ca xướng ấy nhà nghiên cứu văn hóa Từ Chi đã gọi là Tang ca (nghệ thuật diễn xướng Mo Mường). Có như vậy mới làm cho giá trị toàn vẹn của Mo Mường trong đó có sử thi Đẻ đất đẻ nước sống thật, sống vững chắc trong đời sống người Mường hiện đại. Và cũng có làm được như vậy chúng ta mới có cơ sở chứng minh được giá trị văn học, tập quán xã hội, và nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng bộ Hồ sơ Mo Mường trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp", nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ.

Mo tang lễ vô cùng quan trọng với người Mường, ông Mo cũng vậy vì là người diễn xướng duy nhất trong đám ma từ đầu tới cuối. Theo nghệ nhân Bùi Hồng Nhi, quan niệm của dân tộc Mường, ông Mo là người am hiểu phong tục, tập quán, luật lệ của bản Mường nên được mọi người dân tôn trọng, tin tưởng. Vai trò của ông Mo gắn liền với vòng đời của con người. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Khi đau yếu, lạc vía, Mo làm vía mụ sao cho trẻ được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Tuổi trưởng thành khi đau yếu, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma. Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu. Hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an. Đến tuổi già sức cạn, Mo làm lễ kéo si mong cho sức khỏe, minh mẫn sống lâu cho con cháu được nhờ. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường trời, ông Mo đóng vai trò là "cầu nối giữa người sống với người chết" là người đưa hồn ma về với tổ tiên an lành, mát mẻ " Đống yên ma, nhà lành người".

"Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường thể hiện đầy đủ từ Lời mo (ngôn bản mo), Giọng điệu Mo - Ngâm lời Mo (Hầm Mo), Thể hiện lời Mo (vận dụng các ngôn bản Mo) và cử chỉ hành động của ông Mo kết hợp với âm nhạc, múa; khóc. Quá trình diễn xướng Mo của người Mường là phương tiện giao tiếp, bày tỏ lòng tôn kính đối với các lực lượng siêu nhiên và tổ tiên con người, là phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên, vũ trụ của người Mường về tri thức và tập quán xã hội", nghệ nhân Bùi Hồng Nhi cho biết.

Mo Mường đã góp phần gìn giữ phong tục, tập quán trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường, góp phần tích cực trong việc giáo dục hình thành nhân cách con người. Tuy vậy, dân tộc Mường không có hệ thống chữ viết nên Mo Mường được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách truyền dạy (truyền khẩu). Chính vì vậy, hiện nay Mo Mường có xu hướng ngày càng ít người biết, và bị hiểu lệch lạc cả về nội dung Mo cũng như nghệ thuật diễn xướng Mo trong tang lễ; đồng thời số lượng nghệ nhân Mo ngày càng giảm dần.

"Mo trong nghi lễ tang ma của dân tộc Mường vô cùng phong phú. Từ các Cuông, Rằng, Roóng Mo của mỗi ông Mo đang nắm giữ, các văn bản Mo (kể cả Mo Mường Thanh Hóa đến các ngôn bản Mo Mường Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Nghĩa Lộ,… được nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm xuất bản. Song để bảo tồn được giá trị của Mo Mường hiện nay chính là nghệ thuật diễn xướng. Trong nghệ thuật diễn xướng bao hàm tất cả từ: Vận dụng các ngôn bản Mo (nổ Mo), động tác, cử chỉ của ông Mo đến múa, âm nhạc, kiến trúc, biểu tượng và nghi lễ tang ma của người Mường để tạo thành giá trị văn hóa tinh thần lớn lao, mang đậm tính nhân văn và tính giáo dục sâu sắc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa trong cộng đồng bào dân tộc Mường', nghệ nhân Bùi Hồng Nhi nhấn mạnh.

Bài 3: Giá trị văn học và nghệ thuật trong Mo Mường