Ngày 8/7 tại Hoà Bình, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hoà Bình tổ chức hội thảo “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay”.

Mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa. Theo thời gian, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hoá độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơn mai một. Chính vì thế, năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hoá phi vật thể cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Các thầy Mo làm lễ Mát nhà dân tộc Mường cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cỏ tốt tươi, con người khỏe mạnh, vạn vật bình an.

Tại hội thảo, bà Bùi Thị Niềm – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hoà Bình cho rằng, Mo Mường là di sản văn hóa đặc biệt, nó là di sản văn hoá “đang sống” và là biểu đạt do ông cha truyền lại cho con cháu. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường là rất quan trọng, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Vì thế, bà Niềm cho rằng hội thảo này mang ý nghĩa lớn lao, đồng thời cũng là những nội dung quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phối hợp xây dựng bộ hồ sơ khoa học về di sản văn hoá Mo Mường đệ trình UNESCO.  

Với hội thảo này, TS Phạm Minh Hương – Phó viện trưởng Viện Âm nhạc mong muốn lắng nghe các ý kiến của các nghệ nhân, các nhà quản lý văn hoá địa phương đưa ra các vấn đề như: Vị trí của Mo Mường trong đời sống người Mường xưa và nay; Các hình thức Mo và cách thức tiến hành nghi lễ Mo trong tang ma; Nội dung văn học của Mo Mường; Các yếu tố nghệ thuật được sử dụng trong nghi lễ Mo tang ma; Hiện trạng của di sản Mo Mường và đề xuất các biện pháp bảo tồn di sản Mo trong tam ma của người Mường.

Mo trong đời sống tinh thần của người Mường

Theo Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng cho đến hiện nay không ai rõ nghề Mo Mường và nghề Mo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề này đã có từ lâu lắm rồi. Đặc biệt Mo Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước ngày nay được xác định là ra đời từ rất lâu đời, kể về sự hình thành thế giới sinh ra đất và trời, sự ra đời của muôn loài, sự hình thành dân tộc Mường và các vùng cư trú của họ, sự xuất hiện nền văn minh buổi đầu thời Vua Dịt Dàng khi con người tìm ra kim loại đồng.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng cho rằng, từ sau năm 1945 đến nay, quá trình biến đổi của Mo Mường Hòa Bình diễn ra khá phức tạp theo những xu hướng khác nhau. Mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống trong Mo bị mai một trong khi một số quan niệm mê tín, hủ tục vẫn được bảo lưu và phục hồi. Tính chất phức tạp đó không chỉ bắt nguồn từ sự vận động nội tại của Mo Mường Hòa Bình mà còn do mâu thuẫn giữa nhu cầu về Mo trong tâm thức của người Mường với sự thay đổi trong suy nghĩ của họ trước thực tiễn cuộc sống và yêu cầu từ chính sách mới về văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong giai đoạn hiện nay, Mo Mường Hòa Bình đang có những biến đổi lớn bao gồm cái mới, cái tích cực và sự phục hồi một số yếu tố cũ, lạc hậu gây cản trở cho sự phát triển của cộng đồng. 

“Mặc dù vậy, bản chất và ý nghĩa của Mo trong đời sống tinh thần của người Mường không hề thay đổi. Mo vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần người Mường ở Hòa Bình. Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên khi chết”, Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng khẳng định.

Nghệ nhân Đinh Văn En cho biết, hiện nay các nét văn hóa truyền thống vẫn được bảo lưu rất tốt trong cộng đồng người Mường tại tỉnh Sơn La đặc biệt là Mo Mường. Mo Mường bao gồm rất nhiều bài Mo, đoạn Mo được sử dụng trong từng nghi lễ. 

“Theo quan niệm của người Mường, khi chết là “lên Mường Trời” vì vậy phải dùng lời Mo giúp đưa hồn người chết đi lên cõi trời. Thầy Mo là người có sức mạnh, có khả năng để dẫn dắt người chết đi được đến nơi mong muốn. Thông qua lời kể của ông Mo đã phác họa ra con đường dành riêng cho người chết, họ đi lên trời trải qua tám chặng đường gian khổ, họ phải trải qua các chặng đường sông đi thuyền trên sông, đi bộ lên tận đỉnh trời, đi gặp họ hàng đã mất ở các nghĩa địa, rồi lại trở về nhà ăn cơm rượu con cháu dâng lên. Nhận đồ đạc sau đó ra nghĩa địa nhận bàn giao đất ở”, nghệ nhân Đinh Văn En cho biết. 

Nghiên cứu Mo Mường phải lấy Mo tang lễ làm điểm tựa

Với người Mường ở Phú Thọ, họ luôn tự hào với nền văn hóa dân gian Mường của mình. Nhà nghiên cứu Hà Quang Phùng - Chi hội trưởng Hội Văn nghệ dân gian Thanh Sơn, Phú Thọ cho biết, tuy chưa có chữ viết chính thống để ghi chép lời Mo, nhưng bằng trí tuệ tuyệt vời, các thầy Mo đã để lại những bộ Mo tuyệt tác là món ăn tinh thần cho cộng đồng người Mường xưa và nay. Tuy có yếu tố tâm linh nhưng rất cần thiết cho tín ngưỡng của người Mường phù hợp với truyền thống lịch sử cha ông, cộng đồng người Việt Nam - tín ngưỡng đa thần. 

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khẳng định, Mo Mường có một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt mà các hình thức tín ngưỡng khác không có, không thể thực hành được, đó là chức năng thực hành nghi lễ tang ma. Vậy nghiên cứu Mo Mường phải lấy Mo tang lễ làm điểm tựa, làm trọng tâm nghiên cứu. Từ đấy sẽ thấy được sự lan tỏa của nó sang các hình thức thực hành các nghi lễ Mo Mường khác như: Mo mát nhà, Mo mừng thọ, Mo cầu phúc...

Bài 2: Giữ được Mo tang lễ, mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong Mo Mường