Giá vàng trong nước

Tới 14h30' ngày 22/4, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 47,450 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,000 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,400 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,070 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tính tới 8h30 sáng 22/4, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji vẫn niêm yết ở mức: 47,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,00 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở cả 2 chiều mua vào bán ra so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,17 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 21/4.

Giá vàng thế giới

Tới 8h30 sáng 22/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.690 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.710 USD/ounce.

Đêm 21/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.669 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.677 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay cao hơn 30,1% (386 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 46,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1,9 triệu đồng so với vàng trong nước.

Giá vàng thế giới giảm khá mạnh do đồng USD tăng nhanh trong bối cảnh thị trường hàng hóa và tài chính thế giới chao đảo sau cú sốc giá dầu giao tháng 5 rơi tự do xuống vùng giá âm, có lúc xuống tới -40 USD/thùng.

Các thị trường bất ổn khiến giới đầu tư lựa chọn giải pháp an toàn, đứng bên ngoài quan sát tình hình, không mua hầu hết các loại tài sản và hàng hóa, trong đó có vàng. Sức cầu giảm khiến giá vàng đi xuống, bất chấp nhiều yếu tố cơ bản và kỹ thuật đều đang khẳng định xu hướng đi lên không thể đảo ngược của vàng trong dài hạn.

{keywords}
Giá vàng hôm nay: giảm mạnh do đồng USD tăng vọt.

Trong lịch sử, diễn biến thực tế đều cho thấy khoảng 1-2 năm sau những cuộc khủng hoảng lớn (như cuộc khủng hoảng 2008 hay 1997) thì giá vàng đều tăng rất mạnh. Tuy nhiên, ở trong thời khoảng thời gian khủng hoảng thì vàng vẫn chịu áp lực giảm giá.

Trong phiên 20 và 21/4, giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng do các nhà đầu tư buộc phải bán ra khi hợp đồng giao tháng 5 sắp đến hạn và việc vận chuyển khó khăn còn dự trữ dầu thì bất khả thi bởi hầu hết các doanh nghiệp cho thuê kho dự trữ đều đã kín.

Các nhà sản xuất dầu cũng gặp khó khi chi phí ngừng sản xuất dầu và tái khởi động trở lại còn cao hơn so với bán dầu với giá âm.

Trong phiên giao dịch 21/4, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm do tâm lý các NĐT bị ảnh hưởng bởi việc giá dầu ngọt nhẹ WTI rơi tự do xuống vùng âm, bất chấp những dấu hiệu cho thấy đà lây nhiễm của dịch viêm đường hô hấp Covid-19 đang giảm bớt. Và một số quốc gia chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong khi chứng khoán và các thị trường hàng hóa chao đảo thì đồng USD tăng mạnh. Chỉ số DXY lên trên ngưỡng 100 điểm.

Những bất ổn tại châu Á và cả châu Âu đang hỗ trợ mạnh mẽ cho đồng bạc xanh.

Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 21/4 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm 50-200 ngàn đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 21/4, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 47,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,00 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 47,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,17 triệu đồng/lượng (bán ra).

V. Minh