Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), thị trường vàng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương. Các nước không ngừng tăng lượng vàng dự trữ trong tháng Hai. Lượng mua vào của nhóm này có một năm khởi đầu ấn tượng nhất kể từ năm 2010.
Số liệu từ WGC công bố sáng 5/4 cho thấy, lượng vàng dự trữ thế giới tăng 52 tấn trong tháng 2/2023. Đây là tháng tăng thứ 11 liên tiếp.
Hai tháng đầu năm, lượng vàng mua vào của ngân hàng trung ương các nước đạt 126 tấn, tiếp nối con số kỷ lục 1.136 tấn của nhóm này mua vào trong năm 2022.
Tính trung bình theo tháng, số lượng vàng ngân hàng trung ương các nước mua vào trong 2 tháng đầu năm 2023 thấp hơn trung bình tháng trong năm 2022. Nhưng, đây lại là khởi đầu mạnh nhất trong khoảng 12 năm qua, theo chuyên gia phân tích cao cấp Krishan Gopaul của WGC.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mua nhiều nhất với 25 tấn. Đây là tháng mua ròng thứ 4 liên tiếp của nước này. Số lượng vàng mua 4 tháng là 102 tấn.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 2, mua thêm 22 tấn vàng. Đây là tháng mua ròng thứ 15 liên tiếp của nước này. Năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ là tay mua vàng lớn nhất thế giới.
Ngân hàng trung ương Uzbekistan mua thêm 8 tấn, Singapore mua 7 tấn. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) mua 3 tấn.
Ở chiều ngược lại, duy nhất Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan bán ròng 13 tấn vàng.
Số liệu công bố trong tháng 2 của WGC không tính tới Nga. Nước này cho biết đã mua 31 tấn vàng trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 tới 3/2023. Theo số liệu của Gopaul, dự trữ vàng của Nga chiếm khoảng 24% tổng tài sản dự trữ.
Trong phiên giao dịch đêm 4/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay tăng vọt thêm hơn 40 USD lên ngưỡng 2.022 USD/ounce, tương đương mức tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng theo giá quy đổi.
Giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 10,8% (197 USD/ounce) so với cuối năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 58,4 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 8,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối phiên 4/4.
Vàng tăng giá không chỉ nhờ sức cầu từ các tay mua lớn trên thế giới, mà còn do đồng USD suy yếu. Đồng bạc xanh của Mỹ được đánh giá nằm trong xu hướng đi xuống khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chịu áp lực đảo chiều chính sách tiền tệ rất lớn.
Đêm qua (4/4), Mỹ công bố số liệu cho thấy, kinh tế nước này thêm xấu.
Những cú đổ vỡ trên thị trường ngân hàng và rủi ro đối với hàng loạt ngân hàng quy mô nhỏ tại Mỹ có thể gây áp lực lớn lên thị trường tài chính, qua đó ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ bắt đầu suy thoái trong vài tháng nữa.
Đây là yếu tố buộc Fed có thể phải đảo chiều chính sách một cách nhanh chóng, bất chấp lạm phát còn ở mức cao (khoảng 6%).
Vàng tăng còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng vọt sau khi liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, bất ngờ đưa ra quyết định giảm sản lượng khai thác dầu.