Vàng nhẫn tròn trơn tăng 'bốc đầu', trên đỉnh lịch sử
Giá vàng nhẫn tròn trơn trong nước giữ ở mức cao trong phiên đầu tuần 30/9, dù giá vàng thế giới có 2 phiên điều chỉnh giảm rất mạnh, rớt từ đỉnh cao lịch sử 2.685 USD/ounce ghi nhận hôm 26/8 xuống 2.635 USD/ounce vào phiên đầu phiên 30/9 trên sàn New York (tối muộn 30/9 giờ Việt Nam).
Dù giá vàng thế giới giảm mạnh, quy đổi còn khoảng 79,4 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng nhẫn gần như không suy giảm, vẫn ở mức 83-83,35 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn không đáng kể so với đỉnh 83,1-83,45 triệu đồng/lượng ghi nhận vào cuối tuần trước.
Vàng nhẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khá nhiều, gần 4 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn được 4 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán ra ở mức 81,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
So với mức giá 62-63 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng khoảng 20 triệu đồng mỗi lượng, tương đương mức tăng 32%, qua đó giúp nhiều người mua vàng nhẫn lãi đậm.
Những đợt sốt nóng cuối tháng 2 và trong tháng 3 đã đưa giá vàng nhẫn lên ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Còn đợt sóng trong tuần cuối tháng 9 đẩy vàng lên mức 83,45 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử vàng nhẫn tròn trơn.
Có thể thấy, vàng nhẫn tròn trơn đã bứt phá trong khoảng 8 tháng, chỉ còn thiếu 50.000-150.000 đồng/lượng nữa là vượt vàng miếng SJC. Đây là điều ít người có thể lường đoán.
Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, vàng nhẫn chỉ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 1-2 triệu đồng/lượng, còn giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới 16-20 triệu đồng/lượng.
Người dân khi đó quan tâm nhiều hơn tới vàng miếng SJC thương hiệu quốc gia. Giao dịch vàng miếng sôi động, mua và cất trữ tài sản đảm bảo. Hơn thế, vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường bị đặt nghi vấn về chất lượng và tuổi vàng có đạt được 9999 như các doanh nghiệp công bố hay không.
Lúc "thấp điểm", vàng nhẫn trơn thua giá vàng miếng SJC 15-16 triệu đồng/lượng.
Còn giờ đây, mức chênh chỉ là 150.000 đồng/lượng. Rất có thể, giá vàng nhẫn trơn sẽ sớm vượt giá vàng miếng SJC, thậm chí thừa cơ hội vượt xa khi vàng miếng SJC khó mua. Hiện nhiều người phản ánh rất khó có thể mua được vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng và Công ty SJC.
Cơ hội nào để giá vàng nhẫn trơn vượt vàng miếng?
Trên thực tế, giá vàng nhẫn trơn tăng mạnh từ tháng 2/2024, bứt phá trong tháng 3 và gần đây.
Theo nhiều chuyên gia, giá vàng nhẫn tăng mạnh do nguồn cung trong nước trở nên hạn chế khi các vụ buôn lậu bị siết chặt, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Trong khi đó, một bộ phận người dân dịch chuyển từ nắm giữ vàng miếng sang vàng nhẫn, trước lo ngại về việc thay đổi chính sách với vàng miếng.
Trong quý IV/2024, giá vàng thế giới được dự báo sẽ còn tăng theo sự suy yếu của đồng USD và tín hiệu cắt giảm lãi suất của Mỹ trong tháng 11 và tháng 12.
Vàng SJC có thể sẽ tiếp tục được giữ khá ổn định như trong thời gian qua, không cao hơn so với giá thế giới nhiều. Do vậy, giá vàng nhẫn "tự do hơn" có cơ hội vượt giá vàng miếng, theo đà tăng của giá vàng thế giới và xuất phát từ sự khan hiếm của mặt hàng kim loại quý.
Nếu vàng thế giới vọt lên mức 2.700-2.800 USD/ounce (81,3 triệu đồng-84,3 triệu đồng/lượng) trong năm nay như dự báo, giá vàng nhẫn có thể lên 85-90 triệu đồng/lượng khi mức chênh được giữ ở mức 4 triệu như hiện tại hoặc được nới lên 5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC nếu tiếp tục không có nhiều giao dịch thì có thể sẽ được duy trì ở mức 85-86 triệu đồng/lượng.
Đà tăng giá của vàng nhẫn cũng như vàng miếng có thể sẽ giảm nếu giá thế giới chùng lại khi căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt hoặc/và Nhà nước tăng nguồn cung vàng vào đầu năm tới khi tỷ giá USD/VND ổn định hơn, Fed tiếp tục giảm lãi suất và trong nước dồi dào ngoại tệ từ kiều hối, thời điểm sau Tết Nguyên đán.