Chốt lời lan rộng

Thị trường chứng khoán chưa thực sự có dấu hiệu bứt phá ở thời điểm trước Tết Nguyên đán cho dù nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục và sẽ tăng trưởng tốt hàng đầu trong năm 2024.

Trong tuần 8-12/1, thị trường chứng khoán đi ngang trong khi giá vàng tăng nhanh trở lại lên mốc 77 triệu đồng/lượng. Tỷ giá USD/VND cũng nhanh chóng leo lên mức 24.630 đồng/USD (giá Vietcombank bán ra), so với mức dưới 24.500 đồng/USD hồi đầu tháng.

Trong tuần, trên thị trường chứng khoán, nổi sóng và là trụ đỡ vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trái ngược với sự đi xuống của đa số các mã cổ phiếu trụ cột trong các nhóm khác, bao gồm bất động sản, dầu khí... Nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn bứt phá theo tín hiệu kinh doanh tốt trong quý IV/2023.

Cụ thể, cổ phiếu CTG của Ngân hàng Vietinbank tăng 8,2%, BID của BIDV tăng 3,4% và VCB của Vietcombank tăng 2,9%... sau khi các ngân hàng đồng loạt báo lãi tăng mạnh, nhiều tổ chức đạt mức tỷ USD.

Lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận nhóm big 4 đều đạt ngưỡng tỷ USD, với tổng lãi vượt 115.000 tỷ đồng. Vietcombank ước lãi trước thuế năm 2023 đạt hơn 44.400 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).

Một điểm tích cực khác là khối ngoại có phiên mua ròng đầu tiên trong năm mới.

chungkhoan hhok5.jpg
Chứng khoán được dự báo giằng co ở thời điểm trước Tết Nguyên đán. (Ảnh: HH)

Về diễn biến trong tuần, chỉ số VN-Index khởi đầu tuần mới với mức tăng điểm nhẹ, lên ngưỡng 1.160 điểm nhờ sự bứt phá của nhóm ngân hàng với kết quả tích cực như trên. Bên cạnh đó, nhóm vật liệu xây dựng, trong đó có các mã ngành thép, cũng tăng khá mạnh vào đầu tuần. 

Tuy nhiên, tới phiên sau đó, chỉ số VN-Index giảm nhẹ và chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.

Dù vậy, nhóm ngân hàng sau đó một lần nữa là trụ đỡ, giúp thị trường thoát một phiên giảm điểm sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố mức tăng trưởng tín dụng rất mạnh trong tháng 12, qua đó kéo tăng trưởng tín dụng cả năm lên trên mức 13,7%, gần sát với mục tiêu 14%.

Trong phiên cuối tuần 12/1, thị trường ghi nhận mức giảm khá mạnh vào buổi sáng trước khi chốt buổi chiều giảm nhẹ trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại những bất ổn trong nước và quốc tế. Bất ổn tại khu vực Biển Đỏ leo thang khiến chi phí vận tải biển tăng vọt, làm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vô cùng lo lắng. Chi phí leo thang có thể đẩy lạm phát đi lên.

Chung cuộc, trong tuần 8-12/1, chỉ số VN-Index gần như đi ngang, chốt ở mức 1.154,7 điểm. Chỉ số HNX-Index không có được trụ đỡ mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng nên giảm 1,1%, xuống 230,31 điểm. Upcom-Index giảm 1,1% xuống 86,9 điểm.

Ngoại trừ nhóm ngân hàng, hầu hết cổ phiếu trụ cột khác đều giảm. GVR giảm 6,4% trong tuần, Vinhomes (VHM) giảm 4,2%, trong khi GAS giảm 2,7%.

Thanh khoản trong tuần tăng khá, thêm 25,5% so với tuần trước lên 18.664 tỷ đồng/phiên. Trong tuần, khối ngoại mua ròng nhẹ 22 tỷ đồng trên 3 sàn.

Xu hướng giằng co còn tiếp tục, chờ bứt phá sau Tết

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, cho rằng, xu hướng giằng co trên thị trường chứng khoán có thể kéo sang tuần giao dịch tới khi dòng tiền chưa có sự đồng thuận và lan tỏa giữa các nhóm ngành.

Theo chuyên gia VnDirect, đà tăng gần đây của các chỉ số chứng khoán chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi các ngành khác chưa có dấu hiệu hút được dòng tiền tham gia. 

Với việc nhóm ngân hàng có thể chứng kiến áp lực chốt lời trong những phiên giao dịch tới và khi thị trường thiếu vắng nhóm dẫn dắt thay thế, nhiều khả năng xu hướng tăng của thị trường khó được duy trì. Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào vùng trũng thông tin hỗ trợ trước Tết âm lịch, trong khi một số yếu tố rủi ro đang nổi lên có thể ảnh hưởng tới xu thế chung.

Ông Hinh cho rằng, số liệu lạm phát Mỹ được công bố mới đây cao hơn kỳ vọng sẽ làm giảm sự hưng phấn của các thị trường quốc tế. Trong nước, giá vàng vẫn đang neo cao, cùng với đó áp lực tỷ giá bất ngờ quay trở lại trong những phiên gần đây là yếu tố rủi ro cần quan sát. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, có cái nhìn dài hạn khá tích cực. Theo đó, có thể xuất hiện rung lắc trở lại khi VN-Index tiến vào vùng 1.185+/-5 điểm trong ngắn hạn.

Theo ông Nhân, với những khởi đầu thuận lợi trong những phiên đầu năm mới (chuỗi 7 ngày tăng liên tiếp), hoàn toàn có thể kỳ vọng về một năm 2024 "đầu xuôi đuôi lọt".

Ông Nhân cho rằng, khó xảy ra việc thị trường lên mạnh ngay trong khoảng "kẹp" giữa Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Tuy nhiên, thị trường sẽ có một đợt tăng mạnh khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc.

Thông thường, TTCK thường giao dịch "rất khó chịu" thời điểm trước kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch, làm khó người cầm nắm cổ phiếu. Tâm lý bán và không sở hữu cổ phiếu trước nghỉ lễ là điều dễ hiểu.

Một số tổ chức cũng đồng loạt nhận định rằng TTCK bước vào pha hồi phục trong bối cảnh lãi suất đang ở mức thấp, vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu tạo đáy.

Kinh tế Việt Nam năm nay được nhiều tổ chức như HSBC, WB, IMF... dự báo tăng trưởng tốt hơn trong năm 2023. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn tích cực. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được đánh giá cao thứ hai khu vực Đông Nam Á và nằm trong top cao toàn cầu trong năm 2024.