Thị trường chứng khoán (TTCK) trải qua tuần 4-8/3 đầy ắp những thông tin trái chiều tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư, từ giá vàng dồn dập lên đỉnh lịch sử, tỷ giá tăng cao trong khi kỳ vọng về kinh tế trong trung và dài hạn vẫn khá tích cực.

Hoạt động xuất nhập khẩu tăng khá ấn tượng, chỉ số sản xuất đạt mức trên 50 điểm tháng thứ 2 liên tiếp khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.

Trong tuần, TTCK ghi nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Sau khởi đầu tích cực với VN-Index tăng 3,13 điểm (+0,3%), chỉ số này đã đối mặt với áp lực chốt lời và điều chỉnh trong những phiên tiếp theo.

Trong phiên cuối tuần 8/3, chỉ số VN-Index giảm 21,1 điểm (-1,7%) xuống mức 1.247 điểm. Áp lực bán chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu bluechip có mức tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Kết thúc tuần 4-8/3, chỉ số VN-Index giảm 0,9% so với tuần trước đó. Chỉ số HNX-Index và Upcom-Index tăng nhẹ.

Trong tuần 4-8/3, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn giảm giá mạnh và tác động tiêu cực đến thị trường gồm: BIDV (BID) giảm 3,4%; Vietcombank (VCB) giảm 2,3% và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 3,2%...

chungkhoan tungdoan2.jpg
Thị trường chứng khoán trải qua một tuần biến động khá mạnh. (Ảnh: Tùng Đoàn)

Áp lực bán mạnh trong khi cầu bắt đáy cũng khá lớn khiến thanh khoản trong phiên 8/3 vọt lên gần 36 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, cao nhất trong 7 tháng qua. Khối ngoại bán mạnh hơn 600 tỷ đồng trong phiên này, tập trung vào cổ phiếu Vinamilk (VNM), VPBank (VPB), KBC...

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu trụ cột khác giúp thị trường bớt giảm sâu như: Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng 11,4%; cổ phiếu BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp tăng 9%; cổ phiếu GAS của PV Gas tăng 2,5%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu midcap cũng là điểm sáng của thị trường trong tuần với một số mã tăng giá mạnh. Dòng tiền nội địa vẫn duy trì sự quan tâm đến thị trường, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Tính chung trong cả tuần, thanh khoản bình quân đạt gần 30.190 tỷ đồng, tăng gần 16% so với tuần trước. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 964 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Xu hướng tăng chưa bị phá vỡ

Chia sẻ với VietNamNet về phiên giảm cuối tuần ngày 8/3, ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu (Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI), đánh giá, phiên giảm mạnh cũng không quá bất ngờ. Tín hiệu điều chỉnh đã xuất hiện mấy hôm trước. 

Theo ông Kháng, sau đợt tăng 4 tháng liên tiếp thì thị trường cũng cần có một nhịp chỉnh. Đó là điều bình thường.

Cũng theo chuyên gia của CSI, việc tỷ giá tăng và tin đồn về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ phát hành tín phiếu (một phần để kìm hãm tỷ giá)... có tác động tới thị trường. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là tin đồn, trên thực tế chưa có diễn biến gì.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt - cho rằng, tỷ giá là một trong những lý do khiến nhà đầu tư quan ngại trong phiên cuối tuần 8/3. Tuy nhiên, tỷ giá “chưa căng lắm” và tin rằng NHNN kiểm soát được.

Theo ông Trí, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đang tốt. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, xuất nhập khẩu thặng dư. Còn trên TTCK, sau đợt tăng kéo dài có đợt điều chỉnh cũng là bình thường.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, cho biết, áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-Index chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm “bất thành” trong phiên cuối tuần qua. 

Đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây, và dần lan rộng ra toàn thị trường. Lực bán càng gia tăng về cuối phiên ngày thứ Sáu (8/3) và kéo chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm. 

Tuy nhiên, theo ông Hinh, mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh, nhưng xu hướng tăng của thị trường chưa bị phá vỡ khi chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường trung bình 20 ngày MA20. 

Bên cạnh đó, theo chuyên gia VNDirect, những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu. Đáng chú ý, sau khi vượt vùng 24.700 đồng đổi 1 USD, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã lùi dần về vùng 24.650 đồng trong phiên cuối tuần. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại. 

Ông Hinh lưu ý, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+,-/10 điểm). Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap).

Chứng khoán nghẽn lệnh, nhà đầu tư không thể giao dịchThị trường chứng khoán giảm khá mạnh, hầu hết cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, HPG của tỷ phú Trần Đình Long giảm giá trong phiên giao dịch mà HOSE có hiện tượng chập chờn, mất kết nối với các công ty chứng khoán.