Nhà ở là chiều dịch vụ xã hội cơ bản quan trọng trong chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Theo bà Đinh Thuý Hằng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà cho hộ nghèo theo Nghị quyết 43/2023/NQ-HĐND tỉnh Ninh Bình, toàn huyện đã khởi công xây dựng, sửa chữa 81 ngôi nhà với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trong năm 2024, theo danh sách do UBND tỉnh phê duyệt hồi tháng 4, huyện Gia Viễn có 41 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, 8 hộ được sửa chữa để có căn nhà kiên cố, tổng kinh phí là 4,5 tỷ đồng.

Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, hoạt động quan tâm chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hay người có công, đối tượng chính sách... cũng được huyện Gia Viễn chú trọng. Năm qua, huyện đã trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa - An sinh xã hội cùng với đóng góp từ các xã, thị trấn để tổ chức xây mới 15 nhà cho người có công còn khó khăn về nhà ở, với định mức 100 triệu đồng/nhà.

Bà Nguyễn Thị Chiên thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở của thôn 24, Cầu Lân, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn. Bà là cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ, tuổi cao, nay sức khỏe đã yếu. Nhiều năm nay, gia đình bà sống trong ngôi nhà cấp 4 đã dột nát, xuống cấp nghiêm trọng và không có khả năng tu sửa, xây mới.

Trước hoàn cảnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Viễn đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp bà Chiên xây ngôi nhà mới với diện tích 55m2. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Viễn hỗ trợ 100 triệu đồng trích từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội huyện; Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Gia Hòa hỗ trợ 5 triệu đồng; phần còn lại do gia đình, nhân dân và chính quyền địa phương đóng góp, ủng hộ. Giữa tháng 5, căn nhà đã được khởi công xây dựng.

Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Gia Viễn thể hiện tính nhân văn sâu sắc “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ những gánh nặng về nhà ở đối với các gia đình, giúp họ được sống trong ngôi nhà mới kiên cố, thuận lợi về sinh hoạt, yên tâm lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

ninh binh 7.jpg
Nhiều địa phương tăng cường mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Cùng với việc quan tâm giải quyết chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, Gia Viễn cũng tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp; việc làm bền vững, hỗ trợ việc làm bền vững; truyền thông về giảm nghèo đa chiều; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Các dịch vụ xã hội cơ bản đã đến với người nghèo, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đời sống người dân được nâng lên. 

Các tiểu dự án về phát triển kinh tế, tăng cường mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được tập trung thực hiện. Năm 2023, huyện triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản với tổng số 184 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, đến nay trên 70 số hộ đã thoát nghèo. 

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của huyện là 1,91% (giảm bình quân nửa nhiệm kỳ 2020-2023 là 0,48%; cố gắng phấn đấu đạt tỷ lệ giảm nghèo mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là 0,4%). Năm 2024, Gia Viễn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6% (giảm 0,31%).

Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện đã giao các đơn vị theo dõi, hỗ trợ, khắc phục các chỉ số thiếu hụt của hộ nghèo, phân công các đơn vị chủ trì triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. 

Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, có giải pháp cụ thể đối với từng hộ nghèo, cận nghèo và quan tâm tạo sinh kế, đào tạo nghề để giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, lao động - việc làm cho con em hộ nghèo, cận nghèo, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ trực tiếp phụ trách công tác giảm nghèo...