Giá dầu thế giới hôm nay (12/10) vẫn tiếp nối đà giảm từ vài ngày trước. Theo dữ liệu từ Oilprice, vào 7h54' ngày 12/10 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12 được giao dịch ở mức 93,82 USD/thùng, giảm 0,48 USD, tương đương 0,51% so với hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 11 được giao dịch ở mức 88,67 USD/thùng, giảm 0,68 USD, tương đương 0,76% so với hôm qua.
Trong phiên 11/10, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm. Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 1,95% xuống 89,35 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 1,98% xuống 94,29 USD/thùng. Như vậy, sau hai phiên giảm mạnh, giá dầu WTI nhanh chóng đánh mất cột mốc quan trọng 90 USD/thùng.
Giá dầu được điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch hôm qua do lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục tăng lên trong một tuần có nhiều dữ liệu vĩ mô và dữ liệu thị trường.
Số ca lây nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh ở Trung Quốc gia tăng lo ngại về khả năng chính phủ nước này tiếp tục mạnh tay trong các biện pháp kiểm soát dịch. Tại Thượng Hải, Thâm Quyến và một số thành phố lớn khác, số ca lây nhiễm gia tăng sau kỳ nghỉ Tuần lễ vàng khiến Chính phủ Trung Quốc tăng cường xét nghiệm cũng như đóng cửa một số trường học địa điểm du lịch.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày hôm qua đều đưa ra quan điểm tiêu cực với nền kinh tế. Cả hai cơ quan này đều cho rằng có nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới xuống còn 2,7% trong năm 2023. Trước đó, trong báo cáo tháng 7, cơ quan này đưa ra con số tích cực hơn ở mức 2,9%.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, giá dầu vẫn được hỗ trợ và không giảm quá sâu, khi tình hình chiến sự ở Ukraine trở nên căng thẳng hơn sau một loạt các vụ tấn công trả đũa.
Cùng với đó, nguy cơ sụt giảm nguồn cung vẫn đang khá cao sau khi OPEC+ tuần trước cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 11 trong khi nhập khẩu dầu của EU từ Nga đã bắt đầu giảm, khi lệnh cấm vận đang đến gần.
Ngày hôm nay (12/10) sẽ không có dữ liệu tồn kho từ Viện Dầu khí Mỹ API. Thay vào đó, các nhà đầu tư sẽ chờ đợi báo cáo thị trường dầu tháng 10 từ OPEC và Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ EIA để có thêm dữ kiện để đánh giá triển vọng thị trường.
Tại thị trường trong nước, hôm qua (11/10) giá xăng dầu được điều chỉnh tăng sau 4 kỳ giảm mạnh.
Theo đó, giá xăng E5 tăng 560 đồng/lít, giá bán lên 21.290 là đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 560 đồng/lít, giá bán là 22.000 đồng/lít. Tương tự, giá dầu cũng tăng mạnh. Giá dầu diesel tăng 1.960 đồng/lít, giá bán là 24.180 đồng/lít. Giá dầu hoả cũng tăng thêm 1.140 đồng, giá bán là 22.820 đồng. Còn giá dầu mazut giữ nguyên, 14.090 đồng/kg.
Cũng trong kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ đối với mặt hàng dầu diesel 200 đồng/lít để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cụ thể, bên cạnh việc ngừng chi Quỹ bình ổn giá với xăng, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.