Giá dầu thế giới sáng hôm nay (14/10) giảm nhẹ. Theo dữ liệu từ Oilprice, vào 7h58' ngày 14/10 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12 được giao dịch ở mức 94,42 USD/thùng, giảm 0,15 USD, tương đương 0,16% so với hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 11 được giao dịch ở mức 88,93 USD/thùng, giảm 0,18 USD, tương đương 0,2% so với hôm qua. 

Trong phiên hôm qua (13/10), giá dầu tăng khá mạnh. Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 13/10, giá dầu WTI tăng 2,11% lên 89,11 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 2,29% lên 94,57 USD/thùng. Giá dầu tăng do lo ngại về nguồn cung thắt chặt lấn áp các thông tin tiêu cực về vĩ mô. 

Tuy nhiên, trong phiên hôm qua (13/10), giá dầu đã có lúc chịu áp lực điều chỉnh mạnh, nhất là khi báo cáo thị trường dầu tháng 10 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA hạ dự báo nhu cầu dầu trong năm 2022 khoảng 60.000 thùng/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới năm 2023 điều chỉnh giảm 470.000 thùng/ngày, xuống còn 101,3 triệu thùng/ngày. Rủi ro về nền kinh tế, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP thấp là yếu tố lớn nhất gây sức ép cho lượng dầu tiêu thụ. 

Giá xăng dầu vẫn tiếp tục giảm. (Ảnh: Reuters)

Tuy vậy, IEA cũng cảnh báo sẽ có bất ổn lớn với nguồn cung, với kết quả cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu (OPEC) có thể khiến cho sản lượng của các quốc gia Trung Đông sụt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày. Xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 560.000 thùng/ngày so với đầu năm và sẽ còn giảm mạnh hơn khi các lệnh cấm vận được thực thi.

Bên cạnh đó, dù báo cáo của EIA cho thấy tồn kho tăng mạnh 9,9 triệu thùng trong tuần kết thúc 7/10 nhưng sản lượng giảm, kết hợp với xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu tăng mạnh lên mức kỷ lục 7 triệu thùng/ngày và với việc Mỹ sắp ngừng mở kho dầu dự trữ thì các dữ liệu về tồn kho có thể sớm đảo ngược. Đặc biệt, ngành sản xuất dầu ở Mỹ có vẻ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng, với các đợt bảo trì khiến cho sản lượng tuần vừa rồi giảm nhẹ 100.000 thùng/ngày. 

Trong khi đó, số lượng giàn khoan tăng rất chậm, thậm chí có tuần còn giảm, nên khó có thể kỳ vọng có biện pháp nào bổ sung thêm dầu cho thị trường nếu thị trường rơi vào trạng thái thiếu hụt.

Ngoài ra, mặc dù CPI tăng cao hơn dự kiến nhưng với lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tương đối rõ ràng, thị trường cũng không còn phản ứng quá nhiều với các dữ liệu lạm phát. Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương khác như BoE khó có thể mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, khi rủi ro suy thoái đã ở mức rất cao.

Tại thị trường trong nước, hôm nay (14/10), giá bán lẻ xăng dầu được áp dụng theo giá bán được điều chỉnh từ 15h ngày 11/10.

Theo đó, giá xăng E5 là 21.290 là đồng/lít. Giá xăng RON95 là 22.000 đồng/lít. Giá dầu diesel được bán ở mức 24.180 đồng/lít. Giá dầu hoả là 22.820 đồng. Còn giá dầu mazut là 14.090 đồng/kg.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.