Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h07' hôm nay (ngày 18/2, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 83 USD/thùng, giảm 2,14 USD, tương đương 2,51% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 76,34 USD/thùng, giảm 2,15 USD, tương đương 2,74% so với phiên liền trước.

Hôm qua (17/2), giá dầu cũng giảm khá mạnh. Vào lúc 20h08' ngày 17/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 82,74 USD/thùng, giảm 2,4 USD, tương đương 2,82% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 76,13 USD/thùng, giảm 2,36 USD, tương đương 3,01% so với phiên liền trước.

Giới phân tích cho rằng, giá dầu hôm nay vẫn tiếp tục giảm khi số liệu lạm phát làm tăng lo ngại lãi suất cao hơn.

Giá xăng dầu nối dài đà giảm (Ảnh: Reuters)

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 của Mỹ vừa được công bố tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn so với mức dự báo tăng 0,4% từ các chuyên gia kinh tế trong cuộc thăm dò mới đây của Dow Jones. Trước đó, báo cáo doanh số bán lẻ và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ đều cao hơn dự báo.

Giới chuyên gia nhận định các chỉ số lạm phát CPI và PPI tháng 1 của Mỹ dù tiếp tục hạ nhiệt nhưng vẫn tăng mạnh hơn so với dự báo. Việc đó cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ vẫn chưa kết thúc, đặc biệt khi chỉ số PPI lần này có mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ đầu mùa hè năm ngoái.

Điều đó càng củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nhiều quan chức Fed cũng phát tín hiệu rằng họ đang cân nhắc mức tăng 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp sắp tới.

Sự điều chỉnh lãi suất này có thể dẫn đến giảm sức mua của các nhà đầu tư và dẫn đến tình trạng giảm đà tăng của giá dầu.

Thông tin này làm cho đồng USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác. Chỉ số Dollar Index đã vượt mốc 104 điểm, lên mức cao nhất trong vòng hai tuần. Điều này gây sức ép khiến giá dầu đi xuống.

Hơn nữa, hiện nguồn cung không còn là một vấn đề đáng lo ngại của thị trường nếu so sánh với giai đoạn trước đây. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi sản lượng dầu của Nga bị sụt giảm vì các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) thì Mỹ vẫn có khả năng bù đắp khoảng trống này. Trong năm 2022, lượng dầu của Mỹ đến châu Âu đã tăng 70% và xuất khẩu dầu sang Trung Quốc cũng đang tăng lên.

Các báo cáo gần đây cho thấy nguồn cung dầu của Mỹ ổn định và có xu hướng tăng, với sản lượng dầu thô đạt 12,3 triệu thùng. Do đó, giá dầu sẽ khó có thể được hỗ trợ.

Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (18/2) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 13/2 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, các mặt hàng xăng được điều chỉnh tăng. Giá xăng E5 tăng 540 đồng/lít, giá bán là 22.860 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 620 đồng/lít, lên mức 23.760 đồng/lít.

Còn giá các mặt hàng dầu đều giảm. Dầu hoả giảm 980 đồng, về mức 21.590 đồng/lít. Giá dầu diesel hạ 960 đồng, còn 21.560 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 300 đồng/kg, về mức 13.630 đồng/kg

Giá xăng dầu hôm nay 17/2: Quay đầu giảmGiá xăng dầu hôm nay (17/2) trên thị trường thế giới quay đầu giảm nhẹ do triển vọng nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc và sự gia tăng trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ.