Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h33' hôm nay (ngày 24/2, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 82,88 USD/thùng, tăng 0,67 USD, tương đương 0,81% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 76,02 USD/thùng, tăng 0,63 USD, tương đương 0,84% so với phiên liền trước.

Hôm qua (23/2), giá dầu thế giới giảm mạnh. Vào sáng sớm ngày 23/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giảm xuống mức 80,28 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm về mức 74,05 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của cả hai mặt hàng dầu này kể từ ngày 3/2.

Giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tăng lãi suất mạnh, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.

Tuy nhiên, sau đó, giá dầu đã quay đầu đi lên. Vào tối 23/2, giá của 2 loại dầu phổ biến nhất thế giới đã phục hồi.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 19h57' ngày 23/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 81,5 USD/thùng, tăng 0,9 USD, tương đương 1,12% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 74,8 USD/thùng, tăng 0,84 USD, tương đương 1,14% so với phiên liền trước.

Giá xăng dầu đảo chiều đi lên (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo giới phân tích, giá dầu thế giới quay đầu tăng do xuất hiện nhiều lực mua bắt đáy. Sau khi giá dầu về mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tuần qua, nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay mua vào. Việc này khiến cho giá dầu đi lên.

Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung cũng góp phần hỗ trợ cho giá dầu tăng lên.

Nguồn cung dầu ngày càng eo hẹp, thắt chặt hơn khi các nhà sản xuất lớn trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Tháng 10/2022, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm mục tiêu sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến hết năm 2023.

Sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1 đã giảm 49.000 thùng/ngày so với tháng 12/2022, xuống mức trung bình 28,88 triệu thùng/ngày.

Cùng với đó, Nga cũng có kế hoạch cắt giảm 5% sản lượng dầu, tương đương khoảng 500.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 3 tới, sau khi phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu và các sản phẩm dầu của nước này.

Ngoài ra, triển vọng tiêu thụ cũng thúc đẩy giá dầu đi lên.

Các nhà phân tích kỳ vọng nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm lọc dầu.

Bloomberg ước tính, trong năm nay, nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, lên mức khoảng 16 triệu thùng mỗi ngày. 

Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (24/2) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/2 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, giá xăng E5 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 22.540 đồng/lít. Giá xăng RON95 hạ 320 đồng/lít, giá bán là 23.440 đồng/lít. Dầu diesel giảm 760 đồng/lít, giá bán xuống mức 20.800 đồng/lít.