Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện đại đồng thời có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế. Vì vậy, cần ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh doanh này trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới.

Đó là thông tin được TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ: Hiện trạng và đề xuất kiến nghị,” ngày 10/11.

Từ báo cáo sau 4 năm triển khai thực hiện quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ do CIEM thực hiện, ông Khôi cho hay, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn phát triển.

Theo đó, một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện trên thị trường như dịch vụ vận tải trực tuyến từ năm 2014 (Uber, Grab, dichung...), dịch vụ chia sẻ phòng (cơ sở Airbnb), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng…

kinh te chia se.jpg
Nhiều giải pháp được đưa ra để mô hình kinh tế chia sẻ phát huy hiệu quả. 

Kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới nhưng không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng rẽ trong nền kinh tế. Do đó, theo ông Khôi, không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng CIEM, quản lý Nhà nước cần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. 

Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số; hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Cần có giải pháp để kinh tế chia sẻ phát huy lợi thế

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, xu thế phát triển khoa học công nghệ 4.0 ngày càng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp và nảy sinh nhu cầu chia sẻ nguồn lực để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Do vậy, đại diện Hiệp hội ông kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định rõ hơn các đối tượng đang kinh doanh và bản chất hoạt động. Đây là cơ sở để định nghĩa rõ ràng về loại hình này, để tránh tình trạng như các năm vừa qua tồn tại 2 loại hình là taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ mặc dù bản chất hoạt động là taxi 100%.

Theo ông Hùng, cần kiểm soát chặt chẽ các mô hình vận tải lợi dụng kinh tế chia sẻ để hoạch động trái phép như xe ghép, đi chung, tiện chuyến… đang hoạt động gây ra sự lộn xộn, bất bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách cũng như người lao động là lái xe.

“Kinh tế chia sẻ trong hoạt động vận tải chỉ phù hợp trong phạm vi các doanh nghiệp vận tải hoặc các cá nhân có giấy phép kinh doanh vận tải hợp tác để khai thác tài nguyên, nguồn lực của nhau, nhằm cung ứng dịch vụ với chất lượng tốt nhất và giá thành thấp nhất. Vì vậy, các chính sách ban hành cần hướng đến tạo điều kiện cho các doanh vận tải để thúc đẩy sự phát triển của ngành,” ông Hùng nói.

Đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Bình Minh đưa ra 5 giải pháp phát triển kinh tế chia sẻ bền vững. Thứ nhất, kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Thứ hai, đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp và người dân. 

Thứ ba, phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số theo định hướng lành mạnh số. Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng các giãn cách số giữa các khu vực. Thứ năm, hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV