Tại Hội thảo Đẩy mạnh Triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ mới đây, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức, nhiều chuyên gia cho biết tinh thần chia sẻ chưa được các bộ ngành thể hiện trong những chính sách cụ thể.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước đã lúng túng trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho loại hình kinh tế chia sẻ do hoạt động này chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh.
"Lúng túng lớn nhất là xác định đúng bản chất ngành nghề để đánh thuế, điều từng gây tranh cãi lớn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ" - đại diện CIEM nhấn mạnh.
Đề án về kinh tế chia sẻ mở ra cơ hội cho loại hình này phát triển. |
Dẫn trường hợp Dự thảo mới nhất của Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP), ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, cho rằng: Những năm qua, tranh cãi về thân phận của các hãng cung cấp dịch vụ đặt xe cũng như những tài xế sử dụng dịch vụ đó chưa hề chấm dứt.
Dự thảo mới nhất của Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) đưa ra định nghĩa mới về kinh doanh vận tải như sau: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.” (khoản 2 Điều 3).
Đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử, Dự thảo cũng quy định: “Trường hợp đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này” (khoản 2 Điều 35).
Với định nghĩa như vậy, các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối nói trên sẽ đều được coi là đơn vị kinh doanh vận tải, và do đó, phải tuân thủ toàn bộ các điều kiện và quy định về kinh doanh vận tải, bao gồm cả sở hữu phương tiện và thuê người lao động là lái xe, v...v. Đơn vị này có thể lựa chọn kinh doanh taxi điện tử (với điều kiện tại Điều 6) hoặc kinh doanh xe hợp đồng điện tử (Điều 7, Điều 15, Điều 16).
Về việc này, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng không thể coi các công ty sử dụng mô hình dịch vụ gọi xe điện tử hoàn toàn là một dịch vụ vận tải. Các công ty kia chỉ phục vụ một phần trong chuỗi cung ứng, chứ không đáp ứng toàn bộ chuỗi giá trị đó.
“Các ứng dụng ngoại như Uber, Grab, hay nội địa như Fastgo, Be, MyGo hay VATO có thể hiểu là một khâu của dịch vụ vận tải cũng không có gì sai. Người ta có thể chọn một hay một số công đoạn của dịch vụ vận tải để đầu tư một cách chuyên nghiệp là quyền tự do kinh doanh của họ”.
Ngoài ra, để chứng minh “tính chất vận tải” của ứng dụng đặt xe, cơ quan soạn thảo sử dụng cụm từ “quyết định giá cước vận tải” như bằng chứng quan trọng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các ứng dụng đặt xe hiện nay phải cho người tiêu dùng biết giá trước. Phương án, gợi ý giá được nêu ra cho cả người tiêu dùng lẫn người vận chuyển biết, nếu cả hai bên cùng chấp nhận, giao dịch được xác lập. Quyền tự quyết khi đó vẫn thuộc về các bên giao dịch bằng việc có chạm vào nút “đặt xe”, “nhận cuốc” hay không. Không hề có đơn vị, doanh nghiệp nào “quyết định giá cước vận tải” cả. Tuy nhiên, những năm qua, cụm từ này vẫn được giữ nguyên với kỳ vọng sẽ mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng mà về bản chất, nó không có ý nghĩa như vậy.
Ông Dương nêu quan điểm: Dịch vụ kết nối vận tải nên được coi là một công đoạn tách biệt khỏi hoạt động vận tải truyền thống và là một mô hình kinh doanh mới. Các đơn vị cung cấp nền tảng kết nối không thực hiện hoạt động lái xe để vận chuyển khách, vì hoạt động này được thực hiện bởi các đơn vị vận tải truyền thống, đã được cấp phép theo quy định về vận tải. Xét về lý luận pháp lý cũng như thực tiễn kinh doanh, không thể khẳng định sự tham gia của các đơn vị kết nối trung gian trong khâu đề xuất giá và kết nối cung cầu là việc quyết định giá cước và điều hành vận tải.
“Nhận thức đầy đủ về nền kinh tế chia sẻ từ người dân đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước để có những hành động thiết thực đem lại hiệu quả cho từng thành viên trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ ở thị trường nội địa Việt Nam là hết sức cần thiết”, ông Vũ Vinh Phú nói.
H.Duy