GS. Thalappil Pradeep - chủ nhân của giải đặc biệt VinFuture 2022 là “cha đẻ” của công nghệ tạo ra 1 lít nước sạch chỉ với 7 VNĐ. Ông đánh giá cao ý nghĩa của những giải thưởng tầm vóc toàn cầu như VinFuture trong việc thu hút sự chú ý nhiều hơn của công chúng đến những nghiên cứu có thể vẫn chưa được biết đến.
“VinFuture là nguồn cổ vũ to lớn và tạo sự lan tỏa rộng rãi”
- Cuộc sống và công việc của Giáo sư đã thay đổi ra sao trong năm vừa qua, sau khi nhận được Giải thưởng VinFuture?
Giải thưởng VinFuture là một sự cổ vũ to lớn đối với cá nhân tôi, cũng như đội ngũ và tổ chức của tôi, cùng với đất nước tôi nữa. Giải thưởng cũng giúp tôi được biết đến nhiều hơn cả ở trong nước và quốc tế. Thiết thực hơn, giải thưởng là bảo chứng cho tính ưu việt của loại vật liệu có thể giải quyết những thách thức quy mô lớn, như việc cung cấp nước sạch.
Sau VinFuture, tôi cũng giành được một số giải thưởng khác, bao gồm cả giải ENI - một Giải thưởng đến từ Ý về nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Tôi nhận thấy công nghệ lọc chi phí thấp loại asen khỏi nước ngầm đang ngày càng phổ biến. Bên cạnh nỗ lực cá nhân, tôi nghĩ thành quả đó có được là nhờ VinFuture.
Hiệu ứng lan tỏa của giải thưởng cũng giúp công chúng trong khu vực, chẳng hạn ở Campuchia hay Philippines, biết đến nghiên cứu. Dần dần, không chỉ các doanh nghiệp hay tổ chức, mà ngay cả học sinh cũng đã nhận thức được vấn đề để từ đó cùng nhìn về tương lai và tìm cách tái phân bổ các nguồn lực để giải quyết thách thức của chính địa phương họ. Nếu không có VinFuture, tôi không nghĩ nghiên cứu đã lan tỏa rộng rãi như vậy và bản thân cũng khó có thể nhận được lời mời cộng tác từ nhiều quốc gia như Campuchia, Việt Nam hay Philippines.
- Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể một số dự án mà ông đã tham gia kể từ khi nhận Giải thưởng VinFuture cũng như hiệu quả thực tế của dự án đó?
Trước đây, tốc độ triển khai dự án ở các quốc gia đang phát triển là khá chậm. Tôi đã nghiên cứu về vấn đề này khoảng 20 năm và phải mất một thời gian dài mới thấy được hiệu quả. Phần lớn mọi người muốn áp dụng ở cấp độ hộ gia đình nên nếu muốn tạo ra tác động mang tính cộng đồng sẽ đòi hỏi thời gian.
Sau VinFuture, tiến trình đã được đẩy nhanh hơn, quy mô ứng dụng cũng mở rộng hơn. Tôi đã gửi một số thiết bị lọc nước sang Campuchia để thử nghiệm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dự án đó đã thành công.
Tại Philippines, chúng tôi đã xác định được một số địa điểm có thể triển khai công nghệ này bằng cách phân tích chi tiết về chất lượng nước. Chile hay Nam Mỹ cũng đang chứng kiến sự phổ cập công nghệ này ở quy mô lớn.
Vừa mới tuần trước, cùng với một doanh nhân Ấn Độ, một nhóm sinh viên đã bày tỏ mong muốn áp dụng công nghệ này vào thực tiễn. Doanh nhân này đã liên lạc với tôi từ khoảng 5 - 6 tháng trước. Hiện, nhóm cũng đang kết nối với Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines để triển khai công nghệ cho người dân nước này.
Công nghệ trong tay người có khát vọng mới “làm nên chuyện”
- Trong khoa học hiện đại, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về tác động thực tế, tính ứng dụng, khả năng thương mại hóa và phối hợp liên ngành của các nghiên cứu. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
VinFuture vinh danh những nghiên cứu đột phá giúp tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người. Cá nhân tôi đánh giá rất cao tiêu chí khác biệt này của giải thưởng.
Theo tôi, những sáng kiến không có tác động thực tế thì không có giá trị thực tế. Nếu tri thức không tạo ra tác động và của cải, nếu những phát kiến không có giá trị kinh tế mà chỉ mang tính lý thuyết thì chúng ta không thể tận dụng được sức mạnh của tri thức và khó có thể giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, tôi cũng cần làm rõ rằng không phải lúc nào tác động cũng xảy ra ngay lập tức.
Bên cạnh đó, sự đổi mới, đặc biệt là những đổi mới làm thay đổi cuộc sống, phải mang tính đa ngành. Công nghệ tự thân không giải quyết được vấn đề. Công nghệ cần phải nằm trong tay những cá nhân xuất chúng và có khát vọng tốt đẹp mới làm nên chuyện.
Trong lĩnh vực liên quan tới nước sạch cũng vậy. Tôi là một nhà hóa học, nhưng trong suốt cuộc đời mình, tôi còn giống như một kỹ sư cơ khí, doanh nhân, nhà kinh tế học. Việc đóng nhiều vai trò như vậy là cần thiết và chúng ta cần kết hợp liên ngành nếu muốn tạo ra ảnh hưởng sâu rộng.
- Lễ trao giải VinFuture lần thứ 3 vào tháng 12 đang đến gần. Giáo sư có đề cử ứng viên nào cho mùa giải năm nay không và ông dự đoán ra sao về các công trình thắng giải?
Tất nhiên, tôi đã gửi đi đề cử của mình, và tôi cũng vận động một số người nộp đề cử cho Giải thưởng. Song với tôi, Hội đồng Giải thưởng VinFuture quy tụ những đại diện rất uyên bác, danh tiếng được quốc tế công nhận, vì vậy tôi tin vào quyết định của họ. Thực tế, Giải thưởng Chính VinFuture lần thứ nhất và hai đều đã được trao cho các nhóm nhà khoa học xứng đáng nhất.
Trong thế giới hiện nay, thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và bất bình đẳng. Đối với vấn đề bất bình đẳng, dù là trong giáo dục, thu nhập hay lương thực... cách duy nhất để giải quyết là sử dụng công nghệ. May mắn là các nhà khoa học trên khắp thế giới đều đang cống hiến hết mình cho sứ mệnh này. Và họ cần được công nhận.
Với những người làm khoa học, sự công nhận chính là nguồn cổ vũ to lớn nhất và cũng là phần thưởng cao quý nhất. Đó là lý do vì sao những giải thưởng tầm vóc toàn cầu như VinFuture được cộng đồng khoa học toàn cầu đón nhận và đánh giá cao.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Thế Định