Một trong những nội dung được thể hiện đầu tiên trong quy tắc ứng xử của công ty chúng tôi, là luôn tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật sở tại một cách nghiêm túc. Quy định này được thực thi cụ thể trong mục tiêu hàng năm: không vi phạm pháp luật. Công ty xem đó là điều kiện tiên quyết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Bộ phận phụ trách pháp lý cùng các phòng ban liên quan có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật, điều chỉnh hoạt động do mình quản lý nhằm đảm bảo quy định của luật luôn được thực thi đầy đủ. Nếu bộ phận nào bị cơ quan chức năng xử lý, xem như họ chưa hoàn thành nhiệm vụ. Khi có những thay đổi quan trọng của pháp luật, công ty thuê chuyên gia về đào tạo và tất cả các vị trí quản lý đều phải tham dự. Chuẩn mực “right at first time” (làm đúng ngay từ đầu) trở thành một thuộc tính.
Hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, chưa một lần công ty có hành vi hối lộ quan chức nhằm có được sự thuận lợi hơn trong công việc, ngoại trừ tặng họ hộp bánh, giỏ quà vào những dịp Lễ, Tết theo phong tục Việt Nam. Mà có muốn hối lộ cũng chẳng được - trong các khoản chi, bộ phận Kế toán đều phải giải trình với tập đoàn. Nếu có hạng mục nào đó không minh bạch, thì nghĩa là đi ngược lại sứ mệnh của tổ chức.
Nếu vì lý do nào đó công ty bị cơ quan chức năng phạt vi phạm đúng theo qui định pháp luật, chúng tôi chấp nhận nộp phạt, kể cả số tiền lớn, chứ không tìm phương án khác- nếu điều đó không minh bạch, công khai và trái luật định. Và ngay sau đó, các điểm chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh, bổ sung để lần sau không tái diễn. Công ty xem đó là dịp để hoàn thiện hệ thống của mình.
Công ty có quy mô lớn, hàng hóa xuất nhập thường xuyên và phải tiếp xúc, làm thủ tục với các cơ quan chức năng hàng ngày. Ban đầu, các quy tắc, chuẩn mực trên thực sự là những rào cản, trở ngại khi chúng tôi triển khai công việc. Do không có cơ chế “bôi trơn”, nên chúng tôi thường bị gây khó dễ, soi mói. Lâu dần, chúng tôi quen và buộc mình phải luôn làm đúng. Còn công chức của các cơ quan chức năng cũng hiểu và hỗ trợ, mặc dù không lấy gì làm vui vẻ. Chỉ cần làm đúng, thì mối lo cũng giảm đi.
Với ban giám đốc, khi các bộ phận đề xuất một vấn đề nào đó, dù tốn kinh phí, nhưng chỉ cần chỉ ra rằng, đây là các yêu cầu của luật, thì thế nào cũng sẽ được phê duyệt. Ông giám đốc đã có lần chia sẻ, tuân thủ pháp luật, nghĩa là đang thực hiện những điều có lợi cho người lao động, bởi thực tế quyền lợi của người lao động được pháp luật ưu tiên.
Hàng quý, bộ phận đánh giá nội bộ của tập đoàn từ Nhật sẽ đến kiểm tra sự tuân thủ pháp luật sở tại và các chuẩn mực của tập đoàn. Nếu có điểm nào chưa phù hợp, chúng tôi sẽ bị nhắc nhở và được hỗ trợ, tư vấn khắc phục. Sáu tháng một lần, họ đánh giá, xếp hạng việc tuân thủ đó của các đơn vị thành viên dựa trên kết quả kiểm tra.
Tuân thủ pháp luật, quy định của công ty cũng trở thành một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá người lao động. Chẳng may ai đó bị tai nạn giao thông, kể cả những ngày nghỉ ở nhà, công ty sẽ xem hồ sơ cặn kẽ. Nếu hậu quả đó là do anh ta vi phạm luật giao thông, thì đó sẽ là điểm trừ dành cho anh ta khi đến kỳ đánh giá.
Công ty thường xuyên có những hình thức tuyên truyền chấp hành pháp luật lao động, khuyến khích công nhân viên tuân thủ nghiêm luật giao thông bằng thông báo, băng rôn và bảng hiệu trong khắp công ty.
Cách tốt nhất chống tham nhũng, tiêu cực là không tạo điều kiện, tiền đề để chúng nẩy mầm, phát triển. Nghĩa vụ đó thuộc về mỗi công dân, tổ chức, chứ không của riêng ai. Nếu chúng ta chỉ than vãn, lên án, nhưng luôn tạo điều kiện hoặc làm theo yêu cầu của kẻ xấu, thì ta đang là những người đồng lõa.
Và để chống tiêu cực, không có cách nào tốt hơn là tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
(Theo TBKTSG)