Đặc quyền- đặc lợi ở mỗi quốc gia, hoặc sẽ bị hạn chế, bị kiểm soát hoặc dễ dàng trở nên lũng đoạn thành nạn “mua quan bán tước”, trở thành thứ mật ngọt chết… người, tùy thuộc vào những giá trị văn minh được xác lập của nền quản trị quốc gia đó.
Mặt trái của Cúp vàng
“Tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó”- câu thành ngữ đầy tính triết lý đó của nước Pháp, đất nước của tấm huân chương Bắc Đẩu Bội tinh nổi tiếng, trong tuần vừa rồi, bỗng có vẻ ứng nghiệm với Ban quản lý Dự án cấp nước Sông Đà, với công ty cổ phần Vinaconex.
Khi mà cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt đối với Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án cấp nước sông Đà (Hà Nội) và Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Nhà máy cổ phần ống sợi thủy tinh (thuộc Vinaconex), để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 229 Bộ Luật Hình sự.
Có khác chăng, trong trường hợp này, thành ngữ dành cho Ban Quản lý Dự án cấp nước sông Đà, cho Vinaconex có “Việt Nam hóa” đi một chút- Cúp vàng nào cũng có mặt trái của nó.
Mới cách đây không lâu, năm 2010, công trình này vừa được Bộ Xây dựng hoan hỉ trao “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam”. Bên trao hoan hỉ và bên nhận càng hoan hỉ hơn. Vì cái Cúp vàng đó chính là biểu tượng thể hiện sự khẳng định thương hiệu của đơn vị kinh doanh.
Đường ống nước sạch sông Đà cấp nước cho Hà Nội bị vỡ tiếp lần thứ 10 vào ngày 15/1/2015. Ảnh: Phương Minh |
Khác chăng, giờ đây, các cơ quan chức năng lại là nơi sẽ khẳng định… mặt trái của thương hiệu cúp vàng ra sao.
Bởi khó có thể tưởng tượng, đường ống nước sạch Sông Đà được đưa vào hoạt động từ 2009, do Vinaconex làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, công suất hoạt động 300.000 m3/ngày đêm, cung cấp cho 70.000 hộ dân ở 5, 6 quận huyện ở thủ đô. Tuy nhiên sau gần 04 năm sử dụng, đã phải sửa chữa mất 10 tỷ đồng, còn đường ống cũng vỡ tới 10 lần. Có những điểm vỡ tới 05 lần. Hàng vạn người dân ở Hà Nội lắm lúc khốn khổ vì không có nước sinh hoạt.
Có câu nói dân gian quá tam 03 bận. Vậy nhưng trong trường hợp này quá tới thập bận, bị khởi tố và bị bắt, cũng là quá may mắn cho các vị vi phạm pháp luật trong vụ việc này.
Dư luận XH cũng chưa quên những cách lý giải của các vị trong cuộc trước vụ việc vỡ đường ống tới 09 lần. Dưới cái nhìn chuyên môn và quản lý của mình, ông Hoàng Thế Trung (Giám đốc xây dựng đường ống nước Sông Đà) khi đó, đổ tại “nền đất” yếu là thủ phạm chính. Ông này cũng khẳng định đơn vị mình đã thực hiện đúng quy định với tất cả hạng mục từ lập dự án, thi công, thiết kế, song "không hiểu sao sự cố lại diễn ra liên tiếp như vậy" (TP, ngày 10/5).
Cũng hơi buồn cười, ông là người có chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, mà cũng phải đặt câu hỏi không hiểu sao sự cố liên tiếp xảy ra như vậy. Vậy thì người dân biết hỏi ai?
Hay họ chỉ hiểu cái “nền”… lương tâm và trách nhiệm của các vị chắc chắn là thủ phạm chính.
Sau sự cố vỡ đường ống, nhiều người dân ở các chung cư cao tầng đã phải "gạn" nước ở các bể chung để có nước sinh hoạt. Ảnh: ĐS&PL |
Còn cơ quan chức năng thì hiểu lương tâm và trách nhiệm của họ cụ thể, rõ ràng hơn nhiều.
Đó là “nguyên nhân sự cố vỡ đường nước là do chất lượng ống không đồng đều, độ bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt, gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu tấm bêtông dàn tải tại hầm chui dân sinh… Với vai trò là giám đốc xây dựng, đại diện đơn vị giám sát xây dựng ông Nguyễn Thế Trung bị cáo buộc đã không thực hiện đúng về quản lý đầu tư, xây dựng, không kiểm tra những điều kiện và năng lực của nhà thầu. Trong quá trình xây dựng, không giám sát kỹ chất lượng vật liệu đưa vào lắp đặt cho dự án của nhà thầu thi công, dẫn đến sự cố liên tiếp, ảnh hưởng đến hơn 70.000 hộ dân, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Trong khi đó, phía ông Trần Công Bằng và Công ty cổ phần ống sợi thuỷ tinh Vinaconex - đơn vị cung cấp vật liệu thi công đã cung cấp chất lượng ống bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có chất lượng không đồng đều, thiếu chất kết dính và kém chịu lực- nguyên nhân khiến ống vỡ liên tiếp, gây hậu quả nghiêm trọng (VnExpress, ngày 10/5).
Nhưng dư luận XH cũng chưa quên, sau 09 lần vỡ đường ống cấp nước sông Đà, và mặc dù, chính quyền HN đã tuyên bố mất hết lòng kiên nhẫn lẫn niềm tin vào Vinaconex trong vụ này, nhưng rồi cũng chính HN vẫn quyết định đồng ý để Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư dự án giải đoạn 02. Và tiếp đó là lần vỡ thứ 10. Vì sao vậy?
Có ý kiến cho rằng, do công nghệ làm đường ống cấp thoát nước hiện không có một đơn vị kinh doanh sản xuất nào đủ trình độ bằng Vinaconex, thế nên thực chất, HN, vì trách nhiệm với đời sống sinh hoạt của hàng vạn người dân, rút cục qua sông phải lụy đò.
Nếu ý kiến nói trên không đúng, dư luận XH có quyền đặt câu hỏi về sự đồng ý và chấp thuận này của chính quyền HN. Vì sao, một khi đã mất hết kiên nhẫn lẫn lòng tin, mà vẫn quay lại… lụy Vinaconex?
Nếu ý kiến trên là đúng, dư luận XH có quyền đặt câu hỏi về lương tâm, nhân cách làm ăn của Vinaconex? Phải chẳng, vì ỉ vào thế “độc quyền” mà công ty này tự cho phép mình có quyền làm mưa làm gió kiểu ăn bòn dòn tay?
Dư luận XH cũng có quyền đặt câu hỏi, vì sao bộ chủ quản- cơ quan am hiểu chuyên môn lại dễ dàng tặng Cúp vàng cho Vinaconex với mục tiêu vàng: “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng” lại thành ra… đen đến vậy. Vì cách xét tặng quan liêu, hình thức hay cũng vì gì nữa? Để đến nỗi giờ đây, cái Cúp vàng đứng bẽ bàng, hổ thẹn cho thân phận.
Dư luận XH càng có quyền đặt câu hỏi, vì sao tiền tỷ, tiền tấn đầu tư cho công trình đường ống cấp nước sông Đà, rút cục, ống vỡ đằng ống, nước chảy đằng nước?
Thì đương nhiên người làm ẩu, làm sai sẽ phải đi theo đằng… tội phạm
Mặt trái của Cúp vàng chất lượng hóa ra lại phơi bầy rất rõ những kiểu lương tâm, nhân cách… thiếu chất lượng
“Chất lượng vàng” nhân sự?
Vụ việc mặt trái Cúp vàng vô tình chạm tới một câu chuyện, một chủ đề lớn cũng đang nổi lên trong tuần này- chất lượng nhân sự trong sự phát triển kinh tế- XH của nước Việt.
Người viết bài bỗng nhớ tới sự ví von so sánh ở một bài viết ngày 8/5 của báo GDVN mới đây: 40 năm trước, chúng ta không thua kém Hàn Quốc, Nhật Bản là bao nhiêu; thậm chí chúng ta còn có lợi thế rất lớn về tài nguyên, nhưng tới giờ thì thu nhập bình quân đầu người của họ đang gấp ta hàng chục lần. Nếu tính trong Đông Nam Á thì chúng ta đang kém hơn Malaysia, Thái Lan và chẳng biết bao giờ mới đuổi kịp Singapore!
Sự phát triển của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng được quyết định bởi nhiều điều kiện, tiêu chí, tuy nhiên không thể thiếu một điều kiện có ý nghĩa quyết định. Đó là nhân sự chủ chốt- mà ở XH ta thường gọi là đội ngũ cán bộ cốt cán.
Một XH luôn có sự vận động, chuyển động, sàng lọc trong đội ngũ nhân sự các cấp như thế, là một XH có sức sống thanh xuân. Ảnh minh họa: SGGP |
Đó là đội ngũ có “chất lượng vàng”. Chứ không phải là đội ngũ- mua bằng vàng “có chất lượng”…
Lâu nay, dư luận XH, các nhà quản lý, các chuyên gia nội vụ vẫn tranh cãi và chưa bao giờ làm sáng tỏ nổi con số 30% hay chỉ có 1% công chức không làm được việc? Bởi cái thước đo công chức của ngành nội vụ đã quá lỗi thời, nhưng lại chưa tìm ra được thước đo mới phù hợp với thời cuộc mới.
Và trong khi sự tranh cãi còn chưa ngã ngũ số công chức sáng cắp ô đi tối cắp về là bao nhiêu, thì mới đây, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 38, khai mạc sáng 11/5, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội có một nhận xét rất… ấn tượng:
"Trình độ cán bộ nói thật là không lên mà đi xuống. Tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp đã 05 năm nay, chấm phúc tra thấy họ thực sự không biết xấu hổ, làm bài nguệch ngoạc vài câu mà cũng yêu cầu phúc tra. Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở, mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình. Tôi thấy họ nếu có tự trọng thì không nên đi thi" (VietNamNet, ngày 11/5)
Ảnh minh họa |
Đó là chuyên viên cao cấp nhé, là những người đã có thâm niên trong nghề, lại là người có trách nhiệm quản lý, điều hành các ngành, các cơ sở của đất nước, mà năng lực như vậy, thì đất nước không luẩn quẩn với sự trì trệ, yếu kém, tụt hậu mới là lạ.
Nhưng xét cho cùng, đội ngũ đó cũng là sản phẩm chính danh của một loạt khâu mang tính “lỗi”, từ chất lượng nguồn đào tạo, đến tuyển dụng kiểu nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ. Đặt đội ngũ đó trong cơ chế quản lý nhiều khiếm khuyết mang nặng tính ban phát xin- cho, mà nói như ông Nguyễn Đình Quyền, nếu thấy tự trọng không nên đi thi, thì giống như trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, ai cũng thấy như… chừa mình ra.
Đặc quyền gắn với đặc lợi, đó là một đặc điểm của bất cứ nhà nước nào, của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nhưng đặc quyền- đặc lợi ở mỗi quốc gia, hoặc sẽ bị hạn chế, bị kiểm soát hoặc dễ dàng trở nên lũng đoạn thành nạn “mua quan bán tước”, và trở thành thứ mật ngọt chết… người, tùy thuộc vào những giá trị văn minh được xác lập của nền quản trị quốc gia đó.
Những giá trị văn minh đó là: + Cơ chế công khai, minh bạch. Đây là điều kiện quan trọng nhất, trong đó có ý nghĩa kiểm soát được cả nguồn thu nhập của những quan chức cao cấp- một giải pháp hạn chế được tham nhũng. + Pháp luật thực sự thượng tôn và nghiêm minh, bảo đảm mọi công dân, không phân biệt giàu sang nghèo hèn, quan chức hay thường dân, đều bình đẳng trước pháp luật… v.v.. và v.v..
Pháp luật thượng tôn và cơ chế công khai minh bạch sẽ điều chỉnh hành vi sống của con người, hạn chế thấp nhất những tệ nạn gắn với đặc quyền- đặc lợi.
Đó là hai điều kiện, hai giá trị văn minh căn cốt nhất trong những điều kiện, những giá trị văn minh khác, bảo đảm đội ngũ nhân sự các cấp, từ cơ sở đến cao cấp được tuyển dụng, bầu chọn, phản chiếu chính xác tài năng, phẩm chất, và sàng lọc họ trong quá trình điều hành, hoạt động nếu có những nhân sự không đáp ứng yêu cầu cả phẩm cách và năng lực.
Một XH luôn có sự vận động, chuyển động, sàng lọc trong đội ngũ nhân sự các cấp như thế, là một XH có sức sống thanh xuân. Và ngược lại, là một XH trì trệ, già nua.
Ở XH đó, hẳn khó có những câu hỏi hàm chứa sự hoài nghi như của các cử tri quận Ba Đình: Hiện tham nhũng đã cấu kết với nhau trở nên rất tinh vi. Biện pháp kê khai tài sản chúng ta làm hình thức, làm nửa vời, kê khai nhưng không công khai. Liệu đến bao giờ thì công khai tài sản là việc làm bình thường?
Và hẳn khó có những câu hỏi lo ngại về sự trung thực: Thế nào để xác định được cán bộ là trung thực, không để người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi? Tiêu chuẩn không đưa người tham nhũng vào cấp ủy nhưng thực tế có làm rõ được không? Kê khai tài sản quan trọng nhưng báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy chỉ có 02 trường hợp xem xét lại, riêng TP Hà Nội không có trường hợp nào, vì vậy cần làm rõ (LĐO, ngày 09/5)
Và cũng khó có những câu nói lo lắng, thoát tầm kiểm soát, như một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hóa, suy thoái; ngăn kẻ cơ hội không đơn giản; ngăn kẻ tham nhũng vào cấp ủy, có làm được không?.. v.v…
Làm sao để trả lời được những câu hỏi này một cách sâu sắc nhất về cách tuyển chọn cốt cán “chất lượng vàng”?
Cúp vàng có thể có mặt trái, nhưng nhân sự “chất lượng vàng” không thể có mặt trái.
Câu trả lời cho sự phát triển của XH ở thời hội nhập về đội ngũ này phải ở thì hiện tại chứ không thể ở thì… tương lai?