Qua học hỏi, tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, chị Ngô Thị Sống ở xóm Xí Thầu, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) nhận thấy lợn đen là giống lợn dễ nuôi, dễ thích nghi, lại phù hợp nhu cầu thị trường. Vì vậy, khi có nguồn vốn vay ưu đãi 45 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Sống đã đầu tư chăn nuôi lợn đen. Mỗi năm, chị nuôi 2 lứa, mỗi lứa hơn 10 con lợn thịt bán ra thị trường, sau khi trừ chi phí cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình chị Sống trên 60 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình chị đã thoát nghèo, xây được nhà ở kiên cố và có cuộc sống ổn định.
Hiện nay, việc tiếp cận hệ thống viễn thông 3G, 4G thuận tiện giúp người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều điều kiện chia sẻ thông tin và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm làm ra.
Điển hình như anh Nông Hồng Thái, xóm Khuổi Đẩy, xã Kim Đồng, huyện Thạch An là chủ trang trại 1.000 m2 chim trĩ. Ngoài bán cho các nhà hàng, siêu thị thực phẩm và cung cấp trứng, con giống cho các hộ chăn nuôi, anh Thái tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm chim trĩ trên các trang mạng xã hội nhằm tìm kiếm khách hàng, mở rộng đầu mối tiêu thụ. Anh thường xuyên đăng tải các bài viết lên các trang mạng có đông lượng người quan tâm, đăng ký mua hàng. Việc mua bán thuận lợi nên anh Thái có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng và có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền thông tin về thị trường lao động cũng được tỉnh Cao Bằng tăng cường đã tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.
Từ đầu năm đến nay, với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết và duy trì việc làm cho người lao động; kết nối cung - cầu lao động giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, người lao động tìm được việc làm phù hợp, toàn tỉnh Cao Bằng đã thực hiện hỗ trợ tạo việc làm cho 13.574 lao động. Trong đó, 668 lao động được giới thiệu, cung ứng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, đạt 92% kế hoạch; 12.464 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, đạt 498% kế hoạch; đưa 243 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 121,5% kế hoạch.
Để góp phần thay đổi nhận thức của người nghèo về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh Cao Bằng tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm nghèo rất phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Tại các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức thực hiện treo băng-rôn, pa-nô truyền thông giảm nghèo; hướng dẫn quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hằng năm cho cán bộ và người dân, nâng cao chất lượng các trang thông tin điện tử; hiện đại hoá thiết bị kỹ thuật, số hoá sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện; thiết lập bảng tin điện tử công cộng.
Trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản tuyên truyền về công tác giảm nghèo với các hình thức phù hợp như phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội như Zalo, fanpage… Từ đó, mọi người dân Cao Bằng đều được cung cấp thông tin và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, triển khai các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.
Có thể nói, việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đã mở lối thoát nghèo cho rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng năm 2024 ước tăng 7%; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.