Hiện nay, nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân ngày càng cao. Ngoài các thông tin trên mạng xã hội, thông tin chính thống từ hệ thống loa phát thanh của địa phương đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; đặc biệt, các tình huống khẩn cấp như mưa lũ, dịch bệnh, cháy rừng được cập nhật nhanh nhất.
Tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, từ khi có sóng điện thoại và đài phát thanh tiếp sóng truyền tải thông tin từ Trung ương và tỉnh, người dân đã học hỏi thêm nhiều kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Bà Đào Thị Liên ở xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh cho hay, hiện các xóm ở đây đã được lắp các cụm loa truyền thanh, giúp ích rất nhiều cho bà con trong việc tiếp cận thông tin, nghe tin tức. Mỗi khi có cuộc họp xóm, bà con chỉ cần nghe thông báo từ các cụm loa mà không cần phải chờ cán bộ đến từng nhà để thông tin như trước nữa.
Với mong muốn "người dân ở đâu, thông tin ở đó", thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đây trở thành nơi điều phối chính của việc ứng dụng truyền thanh thông minh vào đời sống của bà con nơi vùng cao biên giới.
Đài truyền thanh này sử dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, truyền và nhận thông tin qua mạng Internet nhờ sóng 3G, 4G, có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với truyền thanh không dây FM, đặc biệt đối với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Đến hết năm 2023 Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh đã thực hiện hoàn thiện hệ thống đài truyền thanh cơ sở tại 19 xã, 2 thị trấn; 203 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông được lắp đặt tại 203 nhà văn hoá xóm hành chính trên địa bàn toàn huyện.
Từ đó, phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền các chính sách, phát triển kinh tế - xã hội tai địa phương. Đài truyền thanh thông minh cũng là nơi cung cấp các kiến thức bổ ích về khoa học, kỹ thuật, các mô hình phát triển kinh tế của địa phương cũng như văn hóa, thể dục thể thao và các hoạt động về an ninh, quốc phòng.
Ông Nông Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh chia sẻ: "Truyền thanh thông minh giúp truyền tải những thông tin thiết yếu của các cấp từ Trung ương, tỉnh, xã đến gần hơn với bà con thôn bản, đặc biệt là những nơi xa xôi vốn được coi là "vùng trắng thông tin". Đến 2024, mục tiêu của Trung tâm là lắp đặt hệ thống thông minh này lên toàn bộ các bản, xã hành chính của huyện".
Được biết, triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, đồng thời thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo thông tin và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch từ nay đến hết năm 2025, tất cả 161 xã trong toàn tỉnh sẽ có đài truyền thanh thông minh; các đài FM cũ sẽ được thay thế.
Để thực hiện kế hoạch này, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, từng bước thực hiện chuyển đổi theo lộ trình chuyển đối số của tỉnh. Sở tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề xuất các địa phương, đơn vị bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở, trong đó khuyến nghị lựa chọn giải pháp truyền thanh thông minh.
Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình truyền thanh thông minh trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới nhằm đáp ứng hiệu quả yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở. Qua đó, khẳng định quyết tâm của Cao Bằng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.