Thời tiết cả nước đang ở những ngày nắng nóng đỉnh điểm, và nhu cầu sử dụng điện của mọi nhà đều ở mức cao. Với cách tính tiền điện bậc thang như hiện nay, càng dùng nhiều điện thì số tiền phải trả sẽ càng tăng chóng mặt. Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) cho biết: sản lượng tiêu thụ điện toàn thành phố trong ngày 21.6.2022 lập kỷ lục mới với 100,27 triệu kWh, cao hơn 2,33 triệu kWh so với lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất tại Hà Nội năm 2021.

Trong thời kỳ vật giá leo thang theo giá xăng thì cách duy nhất để bảo vệ túi tiền của mình chính là sử dụng điện tiết kiệm. Chúng tôi nhận được chia sẻ của một độc giả ở quận Ba Đình, Hà Nội về việc gia đình anh đã giảm hóa đơn tiền điện xuống gần 3 lần sau 1 năm thay đổi cách sinh hoạt:

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 1.

Hóa đơn điện 5 tháng đầu năm 2021 của chủ cũ

Gia đình anh Thanh có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ và mới chuyển về căn chung cư từ giữa năm 2021. Anh Thanh kiểm tra lượng điện năng tiêu thụ qua ứng dụng Epoint trên điện thoại và nhận thấy lịch sử hóa đơn của chủ cũ thường xuyên dao động ở mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/tháng.

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 2.

Cũng vẫn là căn chung cư đó nhưng hóa đơn 5 tháng đầu năm 2022

Sau gần 1 năm, tổng kết lại thì anh thấy tiền điện nhà mình chỉ bằng 30-40% của chủ cũ và nguyên nhân có thể đến từ:

1.Thay thế các thiết bị điện đã cũ

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 3.

Chiếc máy giặt Sanyo có niên đại 17 năm do chủ cũ để lại với công suất tiêu thụ 410W

Theo anh Thanh, một trong những cách mà gia đình anh tiết kiệm điện đó chính là sử dụng đồ điện mới bởi ngày nay đồ gia dụng không những phải đáp ứng được yêu cầu về độ bền, tính năng tốt mà còn ăn nhau ở vấn đề tiết kiệm điện. Nhiều gia đình ít để ý, thấy đồ điện cũ vẫn chạy được nên không có ý định thay mới nhưng thực ra chúng có thể ngốn điện rất nhiều.

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 4.

Thông số kỹ thuật của chiếc máy giặt mới nhà anh Thanh: khối lượng giặt tới 9,5 kg mà tiêu thụ có 190W

Ví dụ điển hình nhất được anh Thanh đưa ra là chiếc máy giặt 17 năm tuổi do chủ trước có nhã ý để lại. Theo thông số kỹ thuật dán trên máy thì chiếc máy 7 kg này có công suất tiêu thụ lên tới 410W. Do lúc mới dọn về ở còn chưa ổn định tài chính nên vợ chồng anh Thanh cố dùng, nhưng sau một thời gian thì anh chị đã mua chiếc máy giặt mới với công suất tiêu thụ chỉ có 190W mà năng lực giặt lên tới 9,5 kg.

2. Sử dụng đèn LED có tên tuổi thay cho đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang và LED "Tàu"

Trước khi chính thức về nhà mới, anh Thanh đã thay toàn bộ thiết bị chiếu sáng trong nhà sang đèn LED bởi theo những gì anh tìm hiểu thì đèn bóng LED tiêu thụ năng lượng hiệu quả, tuổi thọ cao và còn rất an toàn với môi trường. Không những vậy, anh còn thẳng tay loại bỏ những chiếc đèn downlight và thay bằng đèn LED tuýp.

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 5.

Trước khi thay đèn...

Anh Thanh chia sẻ: "Hệ thống đèn downlight cũ dùng bóng LED không tên tuổi và không đủ sáng nếu chỉ bật theo từng khu, còn muốn có ánh sáng tốt thì lại phải bật nhiều khu cùng lúc, thành ra tốn thêm điện. Tôi nghĩ nếu thay hết các bóng này thì cũng ngốn không ít tiền nên chuyển sang dùng LED tuýp hoặc LED nổi gắn trần".

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 6.

... và sau khi thay đèn

Một chiếc LED tuýp bán nguyệt 40W của Rạng Đông có giá 150K được lắp thẳng phía trên bàn ăn cho ánh sáng đủ dùng khi ăn cơm, trong khi đó nếu thay 4 bóng LED downlight 9W cũng của Rạng Đông thì tốn 480K (khoảng 120K/chiếc) và ánh sáng không thể tập trung được như LED tuýp. Nếu sử dụng bóng LED downlight 12W thì vừa đắt mà lại tốn điện hơn.

3.Thay cửa gỗ bằng cửa nhôm kính

Câu chuyện về cửa gỗ và cửa nhôm kính đã từng được chúng tôi đề cập đến cách đây vài tháng, và theo anh Thanh thì một trong những cách để gia đình anh tiết kiệm được tiền điện chính là sử dụng cửa nhôm kính thay cho cửa gỗ.

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 7.

Anh cho biết, cửa nhôm kính kín khít hơn cách nhiệt tốt hơn so với cửa gỗ nên khi sử dụng điều hòa cũng ít bị hao nhiệt hơn. Bên cạnh đó, cửa nhôm kính giúp căn phòng sáng sủa hơn rất nhiều, từ đó giảm thời gian phải bật đèn, và như vậy là tiết kiệm được điện rồi!

4.Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và gió từ môi trường tự nhiên

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 8.

Giữa ban ngày trời nắng mà trong nhà vẫn phải bật đèn vì chủ cũ dùng rèm che cửa sổ lại

Căn chung cư nhà anh Thanh là "căn góc", một mặt hướng Đông còn mặt kia hướng Nam nên lượng ánh sáng khá "dồi dào". Theo anh Thanh, thời gian từ buổi sáng đến 17h (mùa đông) và 18h (mùa hè) thì nhà anh không phải sử dụng tới đèn điện. Thậm chí trong khoảng từ 8h đến 11h ánh nắng còn chiếu mạnh tới mức phải dùng rèm để cản bớt sáng.

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 9.

Căn nhà sau khi được chỉnh trang lại: Sáng như thế này thì làm gì mà phải bật đèn?

Chủ cũ thì dùng biện pháp dán kín kính cửa sổ bằng decal màu kết hợp với rèm vải, nhưng như vậy thì lại bị tối và phải bật đèn. Nhận thấy như vậy không ổn nên vợ anh Thanh đã lựa chọn loại rèm cầu vồng để có thể điều chỉnh độ cản sáng như ý muốn.

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 10.

Vợ anh Thanh chọn rèm cầu vồng để điểu chỉnh được lượng ánh sáng vào nhà

Cũng vì ở căn góc hướng Đông Nam nên anh Thanh thường xuyên mở tất cả các cửa trong nhà để đón gió. Thời gian đầu hè thậm chí anh đi ngủ còn không cần bật quạt vì gió trời đã rất là mát rồi.

Tôi đã giảm tiền điện từ 1,3 triệu xuống còn hơn 400 nghìn/tháng như thế nào? - Ảnh 11.

Bên cạnh đó, nhờ có chỗ phơi phóng ngoài ban công nên gia đình anh không cần sử dụng máy sấy quần áo bởi vào mùa hè thì quần áo phơi từ tối hôm trước đến sáng hôm sau đã khô, duy chỉ có khoảng 1 tháng nồm ẩm trong năm là phải dùng tới tủ sấy quần áo mà thôi.

5.Sử dụng hợp lý các thiết bị điện

Anh Thanh cho rằng, hóa đơn tiền điện nhà mình giảm cũng có phần do thói quen sử dụng điện: nhà anh dùng ấm siêu tốc thay cho bình thủy điện (loại cắm điện liên tục để lúc nào cũng có nước nóng), đi đến đâu thì bật đèn ở đó và tắt đèn ở các chỗ khác trong nhà, bình nóng lạnh chỉ bật trước khi tắm chứ không để suốt ngày… Thói quen này anh được dạy từ nhỏ, và đến giờ anh chị lại tiếp tục dạy các con của mình như thế. Chỉ số tiêu thụ điện giảm thì tức khắc tiền điện cũng giảm theo bậc thang là điều dễ hiểu, chứ dăm ba cái thiết bị được quảng cáo là "giúp tiết kiệm điện" bán tràn lan ngoài thị trường chắc không giúp cải thiện được gì cả.

Thiết bị tiết kiệm 30-50% tiền điện hàng tháng chẳng bằng thay đổi thói quen sử dụng điện

Tổng kết

Trên đây là chia sẻ của một trường hợp cụ thể, và mỗi gia đình sẽ lại có những cách sử dụng điện cũng như thói quen sinh hoạt khác nhau. Tuy vậy, bỏ qua các vấn đề còn bất cập trong cách tính giá điện kiểu bậc thang thì tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm nói chung luôn là điều nên làm và cần làm bởi "Tiết kiệm là quốc sách".

(Theo Tổ Quốc)