Mua điện thoại xịn, bị lừa hàng giả

Báo cáo về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định tình trạng này đang diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ việc được phanh phui.

Đơn cử ngày 19-20/8/2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã làm việc với Samsung Việt Nam và các đơn vị liên quan để xác minh đối tượng thiết lập website “samsungvietnam.online” bán sản phẩm điện thoại Samsung giả nhằm trục lợi. Cục đã cung cấp thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo và xử lý trường hợp Công ty TNHH Relex Việt Nam thiết lập nhiều website dùng để kinh doanh điện thoại di động (giả mạo Samsung) và đồ nội thất ô tô.

{keywords}

Đoàn kiểm tra làm việc với Đại diện Công ty TNHH RELEX Việt Nam (Ảnh: Bộ Công Thương)

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường và PA05 đã tạm giữ toàn bộ số điện thoại không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc và các tài liệu liên quan và tiếp tục có buổi làm việc với Công ty TNHH Relex Việt Nam để làm rõ các vấn đề liên quan.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ vi phạm pháp luật, hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên các website và ứng dụng thương mại điện tử. Có website còn bán những sản phẩm cấm hoặc hạn chế kinh doanh như rượu, thuốc lá, cần sa, vũ khí thô sơ,...

Tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn là gần 36 nghìn và hơn 3.100 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa.

Riêng 8 tháng đầu năm 2019, sau lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, có trên 3.700 sản phẩm vi phạm từ gần 632 gian hàng và website phải gỡ bỏ. Trong đó, 1 trường hợp nghi ngờ lợi dụng sàn thương mại điện tử Shopee để bán bánh có chứa cần sa đã được chuyển cho A05 điều tra, xử lý.

Một số doanh nghiệp có sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Tây - Bitex (máy tính casio), Công ty TNHH GH Consults (về các sản phẩm của Amway, Herbalife và Orilflame),... đã yêu cầu các sàn như Lazada, Sendo, Shopee, Vatgia,... gỡ bỏ hàng nghìn sản phẩm vi phạm.

Không chỉ người Việt Nam, người nước ngoài cũng bị lừa khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) giải quyết khiếu nại của công dân Kazakhstan bị lừa đảo khi giao dịch với một công ty Việt Nam trên website thương mại điện tử Alibaba.com. Hiện tại Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác minh được đối tượng và đang tiến hành các thủ tục càn thiết để hoàn lại hơn 1.400 USD cho công dân nêu trên.

{keywords}
Gian hàng bán thiết bị lắp ráp súng trên Lazada.

Khó xử lý, nhưng phải làm

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Trong khi đó, khó nhận biết được hàng hóa thật - giả trên mạng. Việc đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.

Điều đáng nói, Nghị định 185/2013 có quy định mức xử phạt 40-50 triệu với hành vi này. Nhưng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thừa nhận quá trình xử lý, cán bộ quản lý thị trường rất khó thực thi khi chưa có đủ những căn cứ áp dụng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho hay: Bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Việc chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.

“Tình trạng này diễn biến công khai trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng”, ông Trần Hữu Linh chia sẻ.

“Người bán hàng trên mạng đa dạng đối tượng và đa dạng mặt hàng. Khi quảng cáo thì dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng nhưng lúc giao hàng là hàng nhái, không có nguồn gốc chứng từ. Dịp đầu năm trên Lazada còn bán cả vũ khí, sau đó phải làm việc với sàn này để gỡ xuống”, ông Linh cho biết.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng: Khi xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Hiện 100% giao dịch trên mạng không có hoá đơn chứng từ nên xử lý hàng giả, lậu càng khó khăn vì khó lần ra ai cung cấp hàng hoá.

Việc quản lý số gian hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng khó khăn với vô hạn gian hàng và số lượng hàng bán ra. Vì vậy, theo ông Trần Hữu Linh, nếu không ràng buộc trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử thì khó quản được, “vì ông chính là người tổ chức 'chợ' cho mọi người mua bán”.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý: Thực tế phát triển thương mại điện tử vừa qua cho thấy tồn tại bất cập, nguy cơ tác động và gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường, người tiêu dùng, thất thu thuế,...

Ông yêu cầu không để tình trạng phát triển tràn lan chủ thể thương mại điện tử, thiếu sự điều chỉnh, quản lý, gây tổn hại cho xã hội, lợi ích người tiêu dùng, nền kinh tế.

Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà lại quy chế hoạt động các sàn thương mại điện tử, gắn trách nhiệm của chủ sàn.

“Tổng cục Quản lý thị trường chủ động đánh giá từ thực tiễn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đề xuất lãnh đạo Bộ chống hàng giả, gian lận thương mại trong môi trường thương mại điện tử,... tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng cụ thể để xử lý dứt điểm. Báo cáo trong đầu tháng 9 và thực hiện trong Quý 4”, ông Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ và yêu cầu tăng chế tài xử lý lên mức tối đa nếu hoạt động thương mại điện tử vi phạm luật pháp.

Lương Bằng