Giải pháp lưu thông hàng hoá

Thời gian qua, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thiết kế xây dựng, phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam với mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới Người tiêu dùng.

Sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được chuyển tới tận tay người tiêu dùng Việt trong cả nước thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử một cách nhanh chóng với chi phí thấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được truyền thông quảng bá, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử, được hỗ trợ chi phí chuyển phát, và hỗ trợ tài chính từ các đối tác của chương trình.

Tháng 03/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Sơn La và sàn thương mại điện tử Sendo, Voso tổ chức 3 chương trình đạo tạo tập huấn và kết nối thương mại tại Mộc Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La.

Các chương trình đào tạo kết nối thương mại điện tử này trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 140 doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã sản xuất ở tỉnh Sơn La tiếp cận với thương mại điện tử, trực tiếp được các sàn thương mại điện tử đưa lựa chọn, đánh giá và đưa sản phẩm phù hợp lên “Gian hàng Việt trực tuyến” để tiến hành phân phối hàng hoá và được hỗ trợ các giải pháp số như truy xuất nguồn gốc, giải pháp tài chính số.

{keywords}
Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia đưa hàng Việt lên sàn

Ngay sau khi kết thúc chương trình tập huấn tại Sơn La, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Sàn thương mại điện tử Sendo tổ chức “Ngày Đặc sản Sơn La” trên Sàn thương mại điện tử Sendo với các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ở Sơn La và người tiêu dùng trên cả nước đối với sản phẩm Sơn La như các sản phẩm Sữa Mộc Châu, nông sản trái cây sấy, mật ong nhãn Sông Mã, các sản phẩm thực phẩm địa phương. Ngay trong ngày mở bán đầu tiên đã có hơn 3.000 đơn hàng cho các sản phẩm địa phương của Sơn La được chuyển đi các tỉnh, thành phố.

Từ ngày 20 – 22/04/2021, chương trình đặc biệt “Ngày hội xứ Dừa – Quê hương Bến Tre” cũng được tổ chức với những ưu đãi đặc biệt dành cho doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của Bến Tre như bưởi Giồng Trôm, hàng chục loại sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chế biến từ cây dừa được bán qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên Sàn thương mại điện tử Sendo. Số liệu báo cáo trong 3 ngày đầu, đã có hàng nghìn đơn hàng được bán ra với độ phủ 56 tỉnh, thành phố.

Tháng 6/2021, các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki, Shopee và Postmart đồng loạt đưa vải thiều Bắc Giang lên sàn nông sản Việt. Đây là lần đầu vải thiều Bắc Giang được đưa bán trên các kênh thương mại điện tử.

Gần đây nhất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo đưa nhãn lồng của Hưng Yên lên bán trên sàn thương mại điện tử Sendo. Sự kiện diễn ra từ ngày 3/8 đến 8/8/2021. Đây là lần đầu tiên, đặc sản Hưng Yên được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Nhãn lồng Hương Chi (Hưng Yên)- đặc sản tiến vua trước mắt sẽ được mở bán cho khách hàng tại Hà Nội.

Tương tự, chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu trên “Gian hàng Việt trực tuyến” đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu. Ước tính đến hết tháng 05, lượng hành tím hỗ trợ tiêu thụ qua thương mại điện tử có thể lên tới 150 tấn.

Kênh bán hàng mới

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, thương mại điện tử đang dần trở thành kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, giúp cho nông sản Việt có hướng đi bền vững, hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cho tới nay hàng nghìn lượt doanh nghiệp thông qua các sự kiện do Cục Thương mại điện tử phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, Hiệp hội ngành hàng tổ chức đã được tập huấn đào tạo cũng như triển khai chương trình. Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp Việt được lựa chọn kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả đã được phân phối đưa lên phân phối trên sàn thương mại điện tử Sendo và Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”, hiển thị rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và trang chủ của Sendo, Voso.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - đánh giá hiện nay việc “chuyển đổi số” tại nhiều doanh nghiệp Việt còn chậm, nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh tuy nhiên nhưng vẫn đang “loay hoay” và gặp nhiều thách thức.

Ông Hải nhấn mạnh, “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”. Đồng thời, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt uy tín ra nước ngoài.

Thời gian tới, sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có “Gian hàng Việt trực tuyến và tiếp tục thúc đẩy mở “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” tại các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ngoài”.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội đánh giá: “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” là giải pháp tốt để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến với người tiêu dùng trong nước một cách rộng rãi nhất, là “ngôi nhà chung” của sản phẩm Việt Nam, sản phẩm địa phương để người tiêu dùng cả nước có thể mua hàng một cách đơn giản với chi phí vận chuyển thấp thông qua thương mại điện tử”.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài ảnh Thu Thủy