Vì sao phải xây dựng nhãn hiệu HTX, thương hiệu sản phẩm?

Những năm gần đây, các mặt hàng nông sản được sản xuất trong nước dần có được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, khi chưa kịp hái được “trái ngọt” thì tình trạng nông sản ngoại “đội lốt” hàng trong nước xuất hiện khiến nhiều vùng sản xuất và các HTX nông nghiệp lao đao.

Nếu trước đây chỉ các mặt hàng như rau, củ quả của Đà Lạt bị đội lốt thì nay, rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang trở thành đích đến của nông sản nước ngoài. Đơn cử, ở phía Bắc có thể kể đến như rau mầm đá, su su (quả, ngọn), củ cải đỏ… được người bán quảng cáo là trồng ở Sa Pa nhưng thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Ở phía Nam, ngay tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, mặt hàng gạo ST25 (đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, từng được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới) cũng bị làm giả một cách trắng trợn ngay tại thủ phủ của giống lúa này. Điều đáng nói, cứ nông sản đặc trưng ở các vùng, miền nào đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng thì lại bị làm giả nhiều nhất.

Đặc biệt, không chỉ bày bán ở các chợ dân sinh, hàng rong hoặc trên mạng xã hội với giá rẻ, nhiều mặt hàng nông sản đã có tên tuổi còn bị đội lốt và chen chân cả vào hệ thống các siêu thị bán buôn nhằm lừa dối người tiêu dùng. Việc nhập nhèm nguồn gốc, xuất xứ hàng nông sản đang ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín sản phẩm, giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt, nhất là những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP hoặc đăng ký thương hiệu quốc gia.

50 xay dung 1 trieu ha lua.jpg
Gạo ST25, Hạt Ngọc Trời bị làm giả/đội lốt khá nhiều.

Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm của các HTX nông nghiệp, tạo chuyển biến quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác, HTX, các mô hình kinh tế. Từ việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sẽ khuyến khích các HTX mạnh dạn đầu tư vào phát triển cung cấp sản phẩm, dịch vụ, góp phần tăng sức cạnh tranh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trước việc giả mạo xuất xứ, đội lốt hàng hóa nông sản như hiện nay, việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu trở lên khó khăn hơn rất nhiều.

Bảo vệ nhãn hiệu ra sao trước nguy cơ “nhập nhèm” xuất xứ?

Anh Hồ Văn Lợi (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) được vợ nhờ đi mua gạo ST25 – loại gạo gia đình anh ưa chuộng và ăn quen vài năm qua. Nhưng khi mang gạo về nấu, vợ anh phát hiện bao gạo ST25 anh mua dường như bị làm giả khi hạt cơm khác xa gạo vợ anh mua chỗ quen. Nhưng để chứng minh được bao gạo anh Lợi mua là hàng “đội lốt” thì không hề dễ dàng. Việc anh Lợi làm lúc này chỉ là, không mua chỗ anh bị nhầm mà phải tìm đến cửa hàng gạo ST25 vợ anh mua quen.

Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh phát biểu tại một hội thảo mới đây, lúa ST24, ST25 đang bị làm giả rất nhiều. Không chỉ 2 giống lúa trên, sản phẩm gạo “Hạt ngọc quê Châu Long”, “Hạt ngọc Trời”, “Hạt ngọc quê hương”, “Hạt ngọc rồng”… cũng bị làm giả ngay tại vựa lúa này. Chính vì vậy, tỉnh Sóc Trăng đang kiến nghị Bộ NN&PTNT cần triển khai hoạt động định vị vùng trồng đối với các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX, qua đó xây dựng và bảo vệ cho được thương hiệu, nhãn hiệu các giống lúa đã được thị trường ưa chuộng.

Thực tế, để bảo vệ thương hiệu nông sản là việc rất khó. Truy gốc xuất xứ, gắn mã vùng miền sản xuất cũng khó bảo vệ được thương hiệu nông sản, bởi các đối tượng làm giả có đủ mánh khóe để qua mặt không chỉ cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Ví dụ, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Lào Cai, chỉ với cây rau mầm đá ở thị xã Sa Pa với diện tích canh tác không quá 10 ha, cho sản lượng khoảng 180 tấn/năm. Với lượng rau như trên, nó chỉ đủ tiêu thụ tại địa bàn Sa Pa và TP Lào Cai, rất ít để có thể bán ra ngoài. Thế nhưng, đi nhiều nơi chúng ta dễ dàng bắt gặp rau mầm đá Trung Quốc nhưng “hiên ngang” quảng bá có nguồn gốc từ Sa Pa.

Nói vậy để thấy, cuộc chiến bảo vệ thương hiệu nông sản từ củ khoai, con cá tới cây rau, ấm trà khó khăn biết nhường nào. Điều đáng lo ngại hơn, cứ sản phẩm OCOP nào được công nhận là ngay lập tức sẽ có sản phẩm nhái, đội lốt để đưa ra thị trường khiến nhiều HTX sản xuất và đăng ký thương hiệu cũng cảm thấy bất lực. Thiết nghĩ, để ngăn chặn được hành vi "phù phép" mượn danh nông sản (như rau quả đặc sản Ðà Lạt, rau củ quả Sa Pa, các nông sản OCOP…) bán cho người tiêu dùng với giá cao cần sự chung ta của nhiều cơ quan chức năng.  

Về bản chất do hám lợi, nhiều tiểu thương nhập ồ ạt nông sản nước ngoài về Việt Nam, sau đó đội lốt thương hiệu đánh lừa người tiêu dùng đã từng bị cảnh báo. Tuy nhiên, dù chính quyền và các ngành chức năng địa phương liên tục tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt, nhưng hành vi gian lận thương mại vẫn liên tục tái diễn. Thiết nghĩ, nếu không ngăn chặn được tình trạng này thì việc xây dựng nhãn hiệu cho các HTX đang rất gian nan sẽ trở lên vô nghĩa. Những thành quả của các HTX sẽ chỉ mang lại lợi ích cho nông sản nước ngoài đang đội lốt và len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm và “chễm chệ” lên mâm cơm của người Việt.

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV