- Chúng tôi gặp anh Lưu Đức Quang, tác giả cuốn sách và bài nghiên cứu nghi bị ông Nguyễn Mạnh Hùng đạo văn. Anh Quang từng là giảng viên Trường ĐH Luật TP. HCM 15 năm, nay chuyển công tác ở một trường đại học khác. Chia sẻ với VietNamNet, anh Quang cho biết do không còn công tác tại Trường ĐH Luật TP. HCM nên rất e ngại, nhưng khi sự việc đã "lộ" thì anh không giữ im lặng. Cuộc trò chuyện được thực hiện vào ngày 12/6.
Trước khi vào cuộc trao đổi, anh Quang kể: "Ngày 11/6 (ngay sau khi báo VietNamNet gặp ông Hùng - PV), ông Hùng có gọi cho tôi và nói có đơn "tố" về quyển sách. Ông Hùng nói: "Em muốn anh viết xác nhận giúp em rằng, đã đồng ý sau đợt phát hành 2.000 cuốn giáo trình đầu tiên thì em đính chính". Nhưng tôi nói "sẽ không viết gì vì không muốn đề cập tới chuyện này".
Thấy tôi nói vậy, ông Hùng nói: "Anh kì quá, trước đây em nói như vậy và anh đồng ý, tại sao bây giờ lại bất nhất?". Tôi khẳng định lại: Không muốn đề cập tới chuyện này vì không còn công tác ở trường nữa nên không muốn ảnh hưởng tới công việc và gia đình. Nhưng sau đó, tôi nghĩ nên ứng xử như thế nào đây?
Anh Lưu Đức Quang |
Phóng viên: Anh phát hiện ra sách của mình nghi bị ông Hùng đạo văn từ khi nào?
- Anh Lưu Đức Quang: Tháng 8 năm 2017, khi cuốn Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam ra đời, tôi đã chuyển đến công tác ở một trường đại học khác. Vì là đồng tác giả nên tôi được tặng 5 cuốn sách. Cầm đọc, tôi phát hiện ra vấn đề ngay và đã tế nhị trao đổi với một giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước. "Chỗ này là bài viết của mình nhưng lại được in trong này"- tôi nói. Trong một cuộc họp bộ môn Luật Hiến pháp, giảng viên này đã phản ánh sự việc trên. Sau đó, ông Hùng gọi điện xin lỗi tôi và nói "do rất bận nên việc biên tập cuốn sách đưa cho mấy giảng viên trẻ phụ trách, họ tự ghi tên nên không kiểm soát được". Do đây là lần đầu tiên Giáo trình Luật Hiến pháp được xuất bản ở Trường ĐH Luật TP. HCM nên tôi không muốn làm phương hại uy tín của nhà trường cũng như quý đồng nghiệp.
Lúc này, ông Hùng gợi ý hai phương án xử lý. Phương án thứ nhất: sẽ đính chính ngay. Phương án thứ hai: sau đợt phát hành 2.000 quyển này, sẽ chỉnh lý tên tác giả để in tiếp đợt mới. Nhưng ông Hùng lại nói tiếp "Em nghĩ phương án thứ hai hợp lý hơn vì giáo trình này đã in và phát hành cho sinh viên chính quy năm thứ nhất với số lượng lớn. Trong bối cảnh giáo trình mới được thông qua, nếu muốn đính chính phải thu hồi thì rất phiền phức".
Phương án thứ nhất nghĩa là thu hồi 2.000 bản đã phát hành và bổ sung đính chính. Phương án thứ hai nghĩa là không thu hồi 2.000 bản đó để đính chính mà chỉ chỉnh lý tên tác giả cho lần tái bản sau.
Lúc đó, tôi nói "Em thấy thế nào hợp lý thì làm". Trên thực tế, ông Hùng đã chọn phương án thứ hai. Tôi nghĩ câu trả lời của tôi là nguồn cơn của việc ông Hùng gọi điện và đòi tôi xác nhận việc này. Tôi đã nói với ông Hùng: "Hai phương án mà bạn đưa ra do chính bạn chọn. Tôi lên tiếng để báo cho bạn biết rằng cái này là của tôi. Còn việc bạn xử lý như thế nào là quyền của bạn".
Ông Hùng có bảo "Nếu anh ngại sẽ soạn văn bản nhờ một giảng viên khác gặp tôi để xác nhận sự việc". Tôi rất bất ngờ vì thái độ này của ông Hùng bởi vì phương án nào cũng có những hệ lụy của nó. Nếu đính chính ngay từ đầu, tuy trước mắt có tốn công sức nhưng sẽ tránh hậu quả xấu hơn về sau. Còn nếu không đính chính ngay từ đầu, mà chỉ chỉnh lý tên tác giả khi tái bản thì vô hình trung sẽ thừa nhận một lỗi sai có tính hệ thống. Tôi nghĩ ai học luật cũng hiểu vấn đề, quan trọng là chọn cách ứng xử nào mà thôi. Đến lúc này, tôi không thể né tránh.
Anh có thể chỉ rõ quyển sách của ông Hùng giống với sách anh đã viết ở chỗ nào?
- (Anh Quang lật giở Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam do PGS.TS Vũ Văn Nhiêm làm chủ biên. Trong cuốn giáo trình này, ông Nguyễn Mạnh Hùng là thành viên tham gia biên soạn và viết một số phần trong cuốn sách này gồm Chương II (mục 1: 1.1, 1.2, 1.3, mục 2), Chương XI (mục 1, 3), Chương XIII (mục 1). Đối chiếu phần 1.3 (Quy trình lập hiến) của chương II (trang 46-47) do ông Hùng là tác giả với bài viết "Quy trình và kỹ thuật lập hiến" của tác giả Lưu Đức Quang (in trong sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay" do PGS.TS Nguyễn Như Phát chủ biên).
Phần này (trang 46 - Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam) là phần tôi đã công bố. Ở phần này, ông Hùng có để trích dẫn nhưng chỉ chú thích phần dẫn ở phía trên, còn viết như vậy là lấy của tôi. Khi tham gia viết quyển sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam hiện nay, tôi đã trích dẫn của một tác giả người Nga và đã đề rõ phần này. Còn trong Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, ông Hùng đã dùng trích dẫn trên với ghi chú nguồn từ sách của tác giả đó, thay vì ghi chú nguồn từ bài viết của tôi.
Trang 46 - Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam - Phần ông Hùng viết |
Trang 61, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay ông Quang viết trước đó |
Ngoài ra phần này (trang 48 - Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam), ông Hùng đã sao chép từ hai đoạn khác nhau trong bài viết Bình luận về quyền lập hiến và quy trình lập hiến theo Hiến pháp năm 2013 của tôi, đã đăng trên tạp chí Khoa học pháp lý số tháng 1/2014.
Trang 48, 49- Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam |
Như vậy, trong phần viết Quy trình lập hiến của mình, ông Hùng đã sao chép hai chỗ của tôi là phần tôi đã viết trong sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam (2012) và trong bài nghiên cứu tôi viết đã được đăng trên tạp chí Khoa học pháp lý năm 2014.
Ở đây cũng phải nói rõ, ông Hùng sao chép của tôi nhưng không lấy hết mà bỏ qua một câu rất quan trọng. Trong bài Bình luận về quyền lập hiến và quy trình lập hiến theo Hiến pháp năm 2013 đăng trên tạp chí Khoa học pháp lý số tháng 1/2014, tôi viết rất rõ: "Theo chúng tôi, Hiến pháp sửa đổi vẫn "bỏ ngỏ" khả năng trao quyền lập hiến trực tiếp cho nhân dân chứ không "khước từ" như hiến pháp năm 1992. Vấn đề đặt ra là cần luật hóa những điều kiện nhằm ràng buộc Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Điều này cũng phù hợp với xu thế tăng cường tối đa sự tham gia cuả nhân dân vào quy trình lập hiến trên thế giới".
Bình luận về quyền lập hiến và quy trình lập hiến theo Hiến pháp năm 2013 đăng trên tạp chí Khoa học pháp lý số tháng 1/2014 |
Còn đây là phần ông Hùng viết: "Như vậy, Hiến pháp năm 2013 vẫn "bỏ ngỏ" khả năng trao quyền lập hiến trực tiếp cho nhân dân chứ không "khước từ" như hiến pháp năm 1992. Điều này cũng phù hợp với xu thế tăng cường tối đa sự tham gia cuả nhân dân vào quy trình lập hiến trên thế giới".
Ông Hùng khi sao chép đã bỏ đi một câu. Do vậy, cách thể hiện này đã làm cho người đọc hiểu sai vấn đề. Riêng phần tiếp theo của đoạn này trong giáo trình thì ông Hùng lại lấy nguyên văn phần 2.2 (Quy định chi tiết một số vấn đề khác) trong bài Bình luận về quyền lập hiến và quy trình lập hiến theo Hiến pháp năm 2013 của tôi để ghép vào.
Suy nghĩ của anh lúc này như thế nào?
- Buồn, nhưng tiếc hơn là hàng nghìn quyển giáo trình chỉ vì một câu này sẽ bị giảm giá trị. Khi đọc giáo trình, người trong nghề rất tinh tế sẽ đánh giá thấp người viết không hiểu gì về xu hướng lập hiến thế giới. Buồn hơn, cách viết như thế này sẽ làm cho người đọc hiểu sai lệch, không đúng chuẩn mực. Điều này ảnh hưởng tới người học, uy tín khoa học của Nhà trường. Tôi nghĩ khi sao chép ông Hùng bỏ đi một câu vì muốn làm khác nguyên bản nhưng đâm ra thành mâu thuẫn.
Trường ĐH Luật TP. HCM từng làm rất nghiêm khắc việc bản quyền tài liệu học tập. Cách đây không lâu, một số sinh viên bị kỷ luật vì sử dụng tài liệu photo. Anh nghĩ như thế nào khi công sức của mình lại được một người trong trường này sử dụng?
- Tôi ủng hộ việc tôn trọng bản quyền. Đối với đạo văn, cho dù là ai cũng không đúng, với tư cách là giảng viên, điều này lại nghiêm trọng, hơn nữa còn giữ cương vị lãnh đạo. Sẽ không thể nói công trình này tôi "đạo", công trình khác tôi không "đạo" hay năm nay tôi "đạo" nhưng năm sau không vì như thế sẽ dung dưỡng cho những chuyện sai trái.
Đạo văn trong khoa học có thể biểu hiện ở nhiều cấp độ như báo cáo khoa học trong các tọa đàm, hội thảo hay hội nghị; bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, sách chuyên khảo hay sách tham khảo; cấp độ cao hơn nữa là giáo trình. Tri thức trong giáo trình chưa hẳn đã là tri thức mới hay đỉnh cao của khoa học nhưng đòi hỏi những chuẩn mực nhất định. Mặt khác, giáo trình là tài sản trí tuệ của một cơ sở đào tạo và thể hiện trường phái riêng, có hội đồng biên tập và thẩm định, do đó không hề đơn giản. Tôi cũng tham gia viết một phần trong giáo trình này nhưng trước khi chuyển công tác sang cơ quan mới, tôi đã gửi bản thảo và không tham gia biên tập bản thảo ở cấp bộ môn. Rất tiếc, câu chuyện này diễn ra khi tôi không còn công tác ở trường Luật nên khi nhận giáo trình này, tôi thực sự ngỡ ngàng.
Đáng lẽ, các tác giả phải được đọc quyển giáo trình này trước khi nó được xuất bản. Thực lòng mà nói, chẳng ai muốn một tác phẩm mà mình tham gia lại có lỗi như thế này. Điều đáng nói hơn là việc này lại diễn ra trong nội bộ của cộng đồng tác giả chứ không phải ở đâu xa. Như vậy, vấn đề đặt ra là quy trình biên soạn giáo trình như thế nào? Với tư cách của người học luật, tôi trộm nghĩ nếu sự việc này không bị nêu trước công luận thì năm năm hay mười năm nữa, nó sẽ đi đến đâu? Bản thân tôi vẫn mong chờ giáo trình được sửa chữa ngay tại thời điểm phát hành chứ không phải bây giờ.
Khi ông Hùng đặt vấn đề như vậy anh đã nói gì? Bây giờ anh muốn việc này được xử lý như thế nào?
- Tôi đã nói với ông Hùng: "Em thấy thế nào hợp lý thì làm". Tôi không phải là người đặt vấn đề, cũng không gợi ý chọn phương án mà chính ông Hùng là người gợi ý chọn phương án xử lý. Lúc đó, tôi suy nghĩ rất nhanh là mình đi rồi thì càng không muốn gây phiền toái cho nhà trường và quý đồng nghiệp. Tôi trân trọng quãng đời 15 năm của mình ở trường cũ.
Tôi thiển nghĩ rằng nếu thực sự cầu thị thì người ta cần giải quyết chuyện này sớm hơn vì càng kéo dài thì việc vi phạm càng có hệ thống.
Anh từng là đồng tác giả cuốn sách Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc đảm bảo quyền con người, nhưng cuốn sách này bị thu hồi. Lý do Nhà trường đưa ra là cuốn sách bị thu hồi do kỹ thuật, còn anh có biết lý do thực hư không?
- Vấn đề này bắt nguồn từ việc cố PGS.TS Trương Đắc Linh phát hiện công trình trước đây của mình bị một tác giả tham gia viết cuốn sách này đạo văn và đã báo cáo sự việc với ban giám hiệu. Quyền sách này được biên soạn bởi nhiều người với tư cách đồng tác giả nhưng có phân công rất rõ ai viết phần nào. Tôi được biết quyển sách này đã bị thu hồi để tiêu hủy. Sau khi cắt bỏ một phần khá lớn, nó đã được xuất bản và trở thành một tài liệu học tập chính của môn học Giám sát Hiến pháp. Tôi nghĩ họ thu hồi quyển sách vì phần viết của một trong các tác giả có vấn đề. Đến hôm nay, nghe bạn nói tôi mới biết thu hồi vì lý do kỹ thuật.
Cảm ơn anh đã trao đổi!
Lê Huyền (Thực hiện)
Chương trình phổ thông mới dạy học sinh tránh đạo văn từ lớp 4
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng dạy học sinh cách tôn trọng bản quyền của người khác, tránh đạo văn.
"Đã phát hiện đạo văn nhưng lại vỗ vai nhau cho qua"
Nhiều ý kiến cho rằng những người làm khoa học ở Việt Nam còn đang rất dễ dãi với nhau, từ cấp cử nhân cho tới các ứng viên GS, PGS.
Các trường "mon men" sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn
Ở Việt Nam, một số trường đại học mới bước đầu thực hiện truyền thông nội bộ và trang bị những công cụ để phát hiện đạo văn.
Chống đạo văn: "Có ai nói cho các em đâu!"
Bao nhiêu phần trăm sinh viên đại học, học viên cao học biết cách viết một bài tiểu luận đảm bảo tiêu chuẩn về đạo đức học thuật?