Tại TP.HCM, khách hàng có thể đặt mua đào Nhật Tân từ sàn thương mại điện tử, giao hàng tận nơi, tối đa 2 giờ sau khi đặt với giá 2,8 triệu đồng/cành.
Tay đua lớn
Cần gửi gấp tài liệu quan trọng vào TP.HCM trong ngày, chị Nguyễn Thu Hảo (kế toán công ty xây dựng) sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh qua ứng dụng điện thoại di động. Chỉ vài phút sau, lái xe tới nhận hồ sơ của chị và giao cho đơn vị vận chuyển hàng không. Trong buổi chiều, khách hàng ở TP.HCM nhận được hồ sơ.
Không chỉ hồ sơ, chị Hảo vẫn thường xuyên gửi đồ ăn, hoa quả đặc sản Hà Nội vào TP.HCM tặng bạn bè đối tác. Chị cho hay, ưu điểm là khách hàng có thể gửi và nhận tại nhà, không phải ra tận sân bay. Lịch trình vận chuyển thể hiện chi tiết trên ứng dụng. Ứng dụng giao hàng này còn mở rộng xuyên quốc gia. Khách hàng có thể gửi sang Hàn Quốc chỉ 2-4 ngày.
Chỉ Thanh Nga (chủ shop thời trang) cho hay, hàng hóa gửi từ Hà Nội vào TP HCM bình thường đến tay khách sau khoảng 2 ngày. Hiện, chỉ 1 ngày sau, khách đã nhận được hàng mà cước phí phù hợp. Chỉ với chiếc điện thoại di động, người bán theo dõi và kiểm soát đơn hàng vận chuyển, thu hộ, xử lý phát sinh sau mua.
Giao hàng nhanh ngày càng cạnh tranh quyết liệt khi các ứng dụng đua nhau rút ngắn thời gian và giá thấp. Một đơn vị tuyên bố, khách hàng có thể nhận được hàng trong vòng 30 phút kể từ khi nhân viên lấy hàng. Còn bảng giá mới nhất của một doanh nghiệp khác chỉ ở khoảng 15.500 đồng/đơn hàng, thấp hơn so với mặt bằng chung.
Theo khảo sát, lĩnh vực này có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Vietnam Post, Viettel Post, Nhat Tin, Kerry Express, Nasco, Ninja Van, GHN, Best Express, Swift247, GHTK, J&T Express,…
Các đơn vị còn liên kết với đối tác để nhằm đưa hàng nhanh nhất có thể đến tay người nhận. EMS Việt Nam bắt tay Grab triển khai dịch vụ giao hàng siêu tốc. Best Express cùng đối tác Swift247, đơn vị thành viên của Vietjet, hợp tác vận chuyển hàng không. Lazada Logistics hợp tác với Selex Motors đưa 100 chiếc xe máy điện vào hoạt động giao hàng đến hết năm 2023.
Thị trường gần 5 tỷ USD
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam`, đánh giá, đặc điểm của thương mại điện tử là người bán và người mua không trực tiếp gặp mặt để giao dịch. Giao hàng hiệu quả chính là yếu tố quyết định góp phần tạo nên lòng tin cho khách hàng.
Theo báo cáo của Allied Market Research, người tiêu dùng Việt Nam có mức độ mua sắm trực tuyến thường xuyên nhất ở khu vực Đông Nam Á. Thương mại điện tử phát triển do các yếu tố như dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet cao và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tăng.
Lượng người mua sắm trực tuyến đạt khoảng 55% dân số, mức chi tiêu trung bình 600 USD vào năm 2025. Dịch vụ logistics nước ngoài và trong nước, đặc biệt là dịch vụ chuyển phát nhanh, hưởng lợi.
Theo dự báo, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đạt giá trị 0,71 tỷ USD vào năm 2021. Ước tính, giá trị tăng lên mức 4,88 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% trong giai đoạn 2022-2030.
Allied Market Research cho biết, chi phí cho các công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh để vận hành dịch vụ COD rất cao khiến quá trình giao hàng tốn nhiều nhân lực, manh mún và khó quản lý. Ngoài ra, hạ tầng giao thông yếu kém và ứng dụng công nghệ thông tin kém hiệu quả làm tăng chi phí dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam.
Sự gia tăng mạnh mẽ về công nghệ, số hóa, vốn đầu tư lớn vào logistics và nâng cấp công nghệ của các phương tiện giao hàng sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới cho thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh của Việt Nam.