- Tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS: Sao lại không thực hiện chính sách có nội dung hợp lòng dân và đáp ứng đúng nhu cầu khách quan như thế?

Thông tin trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục do bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 không có đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS làm cho nhiều giáo viên và người dân thất vọng.

Là một người quan tâm và nghiên cứu về giáo dục, tôi cũng thất vọng và thấy ngạc nhiên. Tại sao lại không thực hiện chính sách có nội dung hợp lòng dân và đáp ứng đúng nhu cầu khách quan như thế?

“Chuột chạy cùng sào…”

Có thể nói không sợ sai rằng sức hấp dẫn của nghề giáo trong xã hội Việt Nam đang dần mất đi. Nhìn vào lịch sử thì thấy không phải cho đến bây giờ những vấn đề như tiền lương giáo viên, cơ hội có việc làm của giáo viên mới đặt ra. Cách đây mấy chục năm dân gian đã lưu truyền câu ca cười ra nước mắt là “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Câu ca diễn tả cái tâm thế… cùng đường của không ít người khi lựa chọn vào học trường sư phạm để trở thành giáo viên.

Câu chuyện tiền lương không đủ sống là nỗi ám ảnh nhiều thế hệ giáo viên. Ngay cả hiện tại, cho dù mức sống được nâng lên nhưng các giáo viên trẻ, giáo viên hợp đồng, giáo viên dạy các môn được coi là “phụ” như lịch sử, địa lý, thể dục… cũng sống rất chật vật. Nếu như giáo viên nào đó mà rơi vào địa vị “hai trong một” tức là vừa dạy môn phụ vừa là giáo viên hợp đồng thì tình cảnh còn tệ nữa.  

Cần có một cuộc điều tra xã hội nghiêm túc xem tình hình tiền lương của giáo viên hiện tại và mức sống của họ. Tuy nhiên bằng quan sát cũng có thể thấy nhóm giáo viên có thu nhập tốt thường rơi vào nhóm có biên chế, đã dạy lâu năm, giáo viên có dạy thêm ở nhà, ở trung tâm, ở trường và các giáo viên làm quản lý. Có rất nhiều giáo viên giàu có, nhà to xe đẹp, tiêu dùng thoải mái. Nhưng nếu hỏi “có phải những thứ đó đến từ lương?” thì có lẽ không ít giáo viên trong nhóm này sẽ tỏ ra lúng túng.

Không thể sống được bằng lương sẽ dẫn đến hệ lụy dạy thêm học thêm tràn lan khiến cho nhiều trường và giáo viên trở thành người vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Khi cái nhìn của học sinh và xã hội đối với giáo viên thay đổi theo hướng xấu và sự tôn nghiêm của nghề giáo mất đi, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ sa sút và các vấn đề của trường học sẽ trở nên trầm trọng. 

{keywords}
Anh minh họa: Tuổi trẻ

Sinh tồn là bản năng của con người. Giáo viên cũng là một người bình thường có cha mẹ già phải phụng dưỡng, có gia đình phải chăm sóc. Vì thế khi lương không đủ sống họ sẽ tìm đủ cách gia tăng thu nhập cho bản thân. Sẽ có mấy hướng chính.

Một là họ sẽ cố gắng thăng tiến để được làm quản lý. Khi làm quản lý cơ hội được hưởng lương, phụ cấp cao hơn sẽ đến và không thể phủ nhận rằng có nhiều người muốn thăng tiến vì còn muốn có cả bổng lộc và “lậu” do chức vụ mang đến.

Hai là giáo viên sẽ tìm cách dạy thêm ở trong trường, ngoài trường hoặc tại nhà mình. Điều này khiến cho nguy cơ giáo viên trở thành người đối xử không công bằng với học sinh, ép học sinh học thêm, sao nhãng việc dạy ở trường và chăm chú cho việc kiếm tiền ở chỗ dạy thêm trở nên hiển hiện.

Ba là giáo viên sẽ phải làm các nghề khác để có thêm thu nhập. Trên cả nước nếu tìm những giáo viên làm thêm nhiều nghề để kiếm sống từ bán hàng qua mạng đến chạy xe ôm không phải là hiếm. Kiếm tiền bằng lao động là chính đáng và lương thiện nhưng khi rơi vào tình cảnh như vậy, họ sẽ phải chia sẻ sức lực, thời gian cho kiếm sống và không thể toàn tâm toàn ý cho công việc.

Không phải ngẫu nhiên ở các nước tiên tiến thường có luật quy định giáo viên khi dạy toàn thời gian ở hệ thống giáo dục phổ thông và các viên chức-công chức nhà nước tuyệt đối không được làm các công việc khác để có thêm thu nhập trừ các trường hợp đặc biệt. Tất nhiên tiền đề của điều luật đó là lương họ phải đảm bảo được cuộc sống.

Không thể sống được bằng lương và giàu có không nhờ tiền lương là một bi kịch của giáo viên hiện nay.

Không đảm bảo công bằng, giáo dục công “mất thiêng”

Đối với học sinh, việc không thực hiện miễn học phí cho học sinh THCS cũng sẽ gây ra hậu quả xấu.

Thứ nhất là nó không phù hợp với việc công nhận giáo dục phổ cập là 9 năm như trong Luật giáo dục quy định. Đã là giáo dục phổ cập (ở nước ngoài thường gọi là giáo dục nghĩa vụ) thì chuyện miễn học phí và miễn phí tiền SGK là đương nhiên. Nhật Bản hiện nay đang tiến đến miễn học phí và cấp phát SGK cho học sinh THPT và trên thực tế nhiều trường đã thực hiện.

Miễn học phí và chi trả tiền SGK cho học sinh trong bậc học giáo dục phổ cập là một trong những biện pháp đảm bảo công bằng trong tiếp nhận giáo dục. Chức năng của giáo dục công lập là đảm bảo được công bằng và tạo ra được những người công dân có trình độ chung đáp ứng được yêu cầu của quốc gia.  

Nếu như giáo dục công không đảm bảo được công bằng, nó sẽ “mất thiêng” và bị giáo dục tư “dồn vào chân tường”. Tình trạng tồn tại những trường tư thu học phí mỗi học sinh cả trăm triệu thậm chí cao hơn vài lần mức đó mỗi năm trong khi có những nơi học sinh phải nhờ vào các chương trình từ thiện mới có thịt để ăn là một thực tế đáng suy ngẫm.

Trong cuốn sách nổi tiếng Phẩm cách quốc gia đã bán được hàng triệu bản tại Nhật, giáo sư Fujiwara Masahiko có nói rằng giáo dục phổ thông của Mỹ có hỏng thì nước Mỹ vẫn tồn tại và vẫn mạnh. Lý do đơn giản là vì nước Mỹ thu hút được nhân tài từ khắp nơi trên thế giới đến sống và làm việc. Tuy nhiên, nếu như giáo dục phổ thông, đặc biệt là giáo dục nghĩa vụ (tiểu học và trung học cơ sở) của nước Nhật hỏng thì nước Nhật sẽ diệt vong.

Lý do là vì nước Nhật đất đai cằn cỗi, chật hẹp, tài nguyên thiên nhiên không có gì đáng kể, nguồn lực nước Nhật chỉ có con người và con người chỉ tạo ra được sức mạnh quốc gia khi có trí tuệ, mà muốn có trí tuệ thì phải nhờ vào giáo dục. Điều này giải thích tại sao nước Nhật dù có khó khăn đến thế nào cũng sẽ phải cố gắng đảm bảo chất lượng của giáo dục phổ thông, đặc biệt là giáo dục nghĩa vụ.

Nhìn vào lịch sử giáo dục của Nhật chúng ta cũng sẽ thấy, tư duy này xuyên suốt trong chính sách của nhà nước từ thời Minh Trị đến nay. Ngay từ thời Minh trị khi cải cách giáo dục theo hướng cận đại hóa, nhà nước Nhật đã nỗ lực xây dựng nền tảng nền giáo dục mới dựa trên giáo dục tiểu học.

Sự thật ấy sẽ là một ví dụ để chúng ta tham chiếu cho công cuộc cải cách giáo dục hiện nay. Khó khăn trong tài chính không phải là khó khăn lớn nhất, khó giải quyết nhất để nâng cao chất lượng giáo dục. Mà khó khăn nằm ở chỗ làm thế nào để nguồn lực tài chính đó được dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng tạo ra hiệu quả tối đa thay vì được sử dụng lãng phí hoặc thất thoát.

(Còn nữa)

Nguyễn Quốc Vương

Đón đọc Phần 2: Làm thế nào để nguồn lực tài chính được dùng đúng lúc, đúng chỗ?

‘Thưa đồng nghiệp, vợ chồng tôi thạc sĩ lương không đủ sống’

‘Thưa đồng nghiệp, vợ chồng tôi thạc sĩ lương không đủ sống’

Nên có chính sách để những người được đào tạo công phu, làm đúng nghề, hễ càng tận tâm, tận lực, càng được đãi ngộ cao; hay là hùa nhau "góp ý" làm thêm nghề khác, để đủ sống?

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Là giảng viên, tôi thấy…

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Là giảng viên, tôi thấy…

Xét cho cùng, trong môi trường giáo dục, mọi hành xử đều phải xuất phát từ sự tự tôn trọng và tôn trọng lẫn nhau, nếu không hệ quả sẽ chỉ là sự hỗn loạn.    

Cô giáo bị buộc quỳ gối và “nền giáo dục không quỳ gối”

Cô giáo bị buộc quỳ gối và “nền giáo dục không quỳ gối”

Trong chuỗi những hành vi bạo lực học đường, bạo lực bệnh viện, cái xấu cái ác ngang nhiên tấn công trực diện vào nền tảng đạo đức xã hội: Người thầy giáo và người thầy thuốc.

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Phạt hay là buông tay?

Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Phạt hay là buông tay?

Nên hay không nên áp dụng hình phạt với học sinh khi các em phạm lỗi?