Theo Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ chi 2 tỷ USD tài sản cá nhân để đầu tư vào dự án Vinfast và sẽ xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ trong vòng 2 năm tới. Tỷ phú số 1 Việt Nam sẽ bán 10% cổ phần Vingroup để thực hiện giấc mơ chưa từng có này.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh khối tài sản của ông Vượng vẫn ở mức rất cao 8-10 tỷ USD và Vingroup liên tục tái cấu trúc sau khi đưa ra bản chiến lược hồi tháng 8/2018 với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính, thay vì phần lớn chỉ tập trung vào dịch vụ và bất động sản như trước đó.

Tài sản của ông Vượng lên mức kỷ lục, lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD vào ngày 22/8/2019 khi giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đạt mức cao kỷ lục: 126.100 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh).

Tính tới 10/12/2019, theo Forbes khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là 7,7 tỷ USD, còn theo tính toán của Bloomberg, tài sản của ông Vượng đạt 9,1 tỷ USD. Những biến động gần đây cho thấy ông Phạm Nhật Vượng đã có những điều chỉnh chiến lược của mình. 

{keywords}
Tài sản của ông Vượng vẫn quanh mức 8 tỷ USD.

Hai tuần, tỷ phú Vượng đã khiến thi trường nhận 2 tin bất ngờ lớn, sau động thái Vingroup bán mảng bán lẻ cho Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thì quyết định của ông Vượng rót 2 tỷ USD vào dự án Vinfast để chinh phục thị trường Mỹ khiến nhiều người bất ngờ hơn. Trong 2 năm trở lại đây, Vingroup của ông Vượng đã hoàn thành nhà máy Vinfast và đã bán ra thị trường. Hồi cuối tháng 11, Vsmart đã khai trương giai đoạn 1 với 26 triệu thiết bị/năm. Dự kiến từ năm 2020, Viện Thiết bị viễn thông thuộc VinSmart sẽ cho ra đời sản phẩm 5G đầu tiên của Việt Nam.

Chỉ trong vòng hơn thập kỷ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng bứt phá và có khối tài sản lên tới 10 tỷ USD. Tuy nhiên, tham vọng của tỷ phú Việt giàu hơn ông Donald Trump không chỉ dừng lại ở một đế chế, một hệ sinh thái trong nước mà đang dồn lực vào 2 điểm nóng trên thế giới: công nghệ và công nghiệp ô tô điện.

Trong năm 2019, thế giới chứng kiến sự bứt phá của ông lớn ngành công nghệ Mỹ. Thương chiến Mỹ-Trung lên đỉnh điểm không ngăn cản được sự bứt phá của các gã khổng lồ. Cả 3 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa 1.000 tỷ USD đều là các công ty công nghệ Mỹ: Microsoft (1.160 tỷ USD), Apple (1.200 tỷ USD) và Amazon (bán lẻ và công nghệ).

{keywords}
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dồn lực vào 2 điểm nóng thế giới.

Vingroup hiện là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam với vốn hóa đỉnh điểm đạt 422 ngàn tỷ đồng (18,1 tỷ USD) và thuộc top đầu trong khu vực nhưng hệ sinh thái của ông Vượng vẫn quá nhỏ bé so với các ông lớn công nghệ trên thế giới.

Một mảng cũng được Vingroup tập trung với thứ ưu tiên số 2 trong chiến lược là: công nghiệp, mà ở đây là sản xuất ô tô - xe máy. Tuy nhiên, điểm mà ông Vượng tập trung nhất có lẽ là mảng xe điện vốn là một điểm nóng mà nhiều ông lớn trên thế giới, trong đó có Tesla của Mỹ đang chạy đua.

Xe điện được đánh giá thực sự là một lĩnh vực tiềm năng và có thể mang đến đột phá cho nền kinh tế giới. Giá dầu được dự báo sẽ chỉ còn 10 USD/thùng (thay vì 50-140 USD/thùng như các năm qua) trong chưa tới một thập kỷ tới.

Ngành xe điện đang có một sức hút lớn đối với thế giới, trong đó có Mỹ và trung Quốc và được dự báo sẽ có một vị trí vững chắc trong thập kỷ tới. Một số chính phủ thậm chí còn tính tới một giai đoạn sẽ xóa sổ động cơ đốt trong, và thay vào đó là xe điện. Tuy nhiên, còn đường phổ biến ô tô điện phía trước còn rất dài và chông gai.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 11/12 chỉ số VN-Index giảm nhẹ. Cả 3 cổ phiếu họ Vingroup đều giảm. Vingroup giảm 800 đồng xuống còn 115.100 đồng/cp; cổ phiếu bất động sản Vinhomes giảm 1.5000 đồng xuống 90.000 đồng/cp.

Cổ phiếu ngành tiêu dùng MSN tiếp tục giảm sau cú thâu tóm hệ thống bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. MSN giảm 400 đồng xuống còn 56.300 đồng/cp.

Trong các blue-chíp, chỉ có Sabeco và Bảo Việt tăng khá.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.

Theo SHS, trong khoảng 1 tuần gần đây, sau một giao đoạn giảm mạnh thị trường đã có sự bình ổn trở lại về mặt cung cầu với việc VN-Index chỉ dao động trong biên độ hẹp 950-970 điểm. Trên khía cạnh chu kỳ của thị trường thì thời điểm cuối năm thường là giai đoạn mà thị trường sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 11/12, VN-Index có thể sẽ cần đi ngang và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-970 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/12, VN-Index giảm 5,76 điểm xuống 960,3 điểm; HNX-Index giảm 0,31 điểm xuống 102,04 điểm. Upcom-Index giảm 0,43 điểm xuống 55,36 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,3 ngàn tỷ đồng.

V. Hà