- Chính phủ sẽ giữ lại 70% phần tăng thu ngân sách của địa phương, 50% số vượt thu của ngân sách TƯ để bổ sung tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021.
Sáng nay, Hội đồng Lý luận TƯ tổ chức tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách BHXH và cải cách chính sách tiền lương”.
Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận TƯ Phùng Hữu Phú cho biết tại hội nghị TƯ 7 khoá 12 diễn ra vào tháng 5 tới, TƯ sẽ bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó cải cách chính sách tiền lương và BHXH là “thiết thân” với đông đảo nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động.
Bỏ cách tính lương theo hệ số
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công (BCĐ), để thực hiện nhiệm vụ chương trình toàn khoá của Ban chấp hành TƯ khoá 12, từ năm 2016, BCĐ đã triển khai nhiệm vụ để xây dựng dự thảo đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong DN và đề án cải cách chính sách BHXH.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |
Thời gian qua, BCĐ đã tham vấn hàng chục cơ quan Đảng, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các quốc gia thực hiện tương đối hiệu quả chính sách tiền lương, BHXH.
Đối với đề án cải cách chính sách tiền lương, TƯ đã 3 lần thảo luận cho ý kiến từ năm 2003 tới nay nhưng chưa thể thông qua nghị quyết và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo ông, đề án lần này phải khắc phục được những khuyết điểm của chính sách tiền lương hiện nay. Lương trong khu vực nhà nước là cơ chế bất cập, chưa theo kịp với khu vực thị trường, điều chỉnh lương của người đang làm việc chưa độc lập với điều chỉnh lương hưu và ưu đãi người có công, ảnh hưởng tới tính bền vững của BHXH, đồng thời phải tiệm cận với các chuẩn mực thực hiện chính sách lương của quốc tế.
Một số điểm mới trong tư duy cải cách tiền lương là xây dựng 2 bảng lương, một dành cho các chức danh vị trí việc làm, một dành cho cán bộ làm công việc thuần tuý về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp.
Ảnh: Thành Chung |
“Cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, lương của cấp trên cao hơn cấp dưới, tránh tình trạng ngược lại như hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế là tỷ trọng lương chiếm 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30%. Đồng thời, quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) chi trả thêm cho người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có quỹ lương để thủ trưởng bộ, địa phương tuyển dụng nhân tài.
Bên cạnh đó, đề án bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, được luật hoá không ai trả thấp hơn. Ngoài ra quy định cả mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ can thiệp của nhà nước vào thang, bảng lương của DN, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả 2 nghị quyết số 18 và 19 của hội nghị TƯ 6 khoá 12 về tinh gọn bộ máy và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.
Sau khi đề án được thông qua, từ năm 2021, cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Từ nay, Chính phủ sẽ giữ lại 70% phần tăng thu ngân sách của địa phương, giữ lại 50% số vượt thu của ngân sách TƯ để bổ sung tạo nguồn thực hiện từ năm 2021; tập trung chống xói mòn cơ sở thuế để củng cố nguồn lực cho ngân sách.
Năm 2021 sẽ tăng tuổi hưu
Về cải cách chính sách BHXH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro.
Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng hưởng.
Tầng thứ hai bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1 phần việc tham gia BHXH cho người nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp. Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường.
Để bảo đảm nguyên tắc của chính sách và duy trì, phát triển quỹ, đề án quy định người lao động tham gia BHXH trên 10 năm mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu.
Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1/1/2021 với lộ trình tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
“Nếu không bàn tới tăng tuổi nghỉ hưu thì khó bảo đảm quỹ. Quyết định này có tác động lâu dài hàng chục năm nhưng phải hành động mau lẹ trong thời gian ngắn. Bài học Italia điều chỉnh 4 tuổi nghỉ hưu trong 10 năm mà làm cho thị trường lao động rối loạn trong 20 năm sau”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đề xuất quy định mới về thang lương, bảng lương
Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Trong đó, đề xuất quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương.
Lương, tiền, bộ máy...vòng luẩn quẩn gỡ được không?
Cải cách lương, nhưng tiền đâu, mà bộ máy lớn thế này thì phải thu nhỏ lại đã, cán bộ, công chức đông thế này thì phải giảm đã, nếu không thì tiền thuế của dân cũng không nuôi nổi…
Vì sao tôi dứt áo ra đi?
Sau 17 năm gắn bó với cơ quan nhà nước, tôi vẫn đành nói lời chia tay - một tiến sỹ kinh tế từ đơn vị cấp bộ.
Singapore không để công chức dứt áo vì lương
Bộ trưởng Nội vụ của Singapore từng nói: Chúng tôi không muốn lương là động lực duy nhất để níu kéo công chức, nhưng cũng không muốn lương là lý do để họ rời bỏ khu vực nhà nước.
Nếu chỉ có lương thì đào đâu ra biệt phủ
Với mức lương của cán bộ, công chức hiện nay, chỉ đủ xây mái nhà đơn sơ, cả đời cũng không thể có biệt phủ.
Trả lương theo bằng cấp phức tạp, không hiệu quả
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nói, Việt Nam nên thiết kế chế độ lương dựa trên hiệu quả công việc chứ không dựa trên bằng cấp.
Lương thấp phụ cấp nhiều, công chức vẫn sống khoẻ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tham nhũng phổ biến khiến tiền lương thấp, nhưng công chức vẫn sống khỏe và không muốn cải cách tiền lương.
Thu Hằng