Đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng

Phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP; trong đó nhấn mạnh đến khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Với tinh thần đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp vượt khó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tuy tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng 2021 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020 do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước. Đây là kết quả tích cực khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc bởi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay, từ cuối tháng 4/2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp linh hoạt thông qua việc kết nối cung cầu, các doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi sản xuất, thậm chí đã sử dụng lao động ở mức nhiều hơn so với thời điểm trước dịch.

Một số doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp đang bố trí tăng ca tất cả các ngày trong tuần, mở rộng dây chuyền sản xuất để bù lại các đơn hàng bị chậm trong thời gian nghỉ dịch. Hơn nữa, đã có nhiều doanh nghiệp mới được chấp thuận đầu tư, đi vào hoạt động, thu hút đầu tư đạt trên 1,26 tỷ USD.

Cùng với đó, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã dần sôi động, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng và đang dần phục hồi. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, giá cả ổn định. Hoạt động vận tải nội tỉnh hoạt động bình thường, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.

{keywords}
Giữ dòng chảy thương mại, lưu thông hàng hoá trong bối cảnh Covid-19

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đồng tình, là thị trường lớn với xấp xỉ 10 triệu dân, thời điểm đầu khi dịch bệnh bùng phát mạnh, 3 chợ đầu mối phải đóng cửa, có những thời điểm siêu thị đóng cửa lên tới 2-3 tuần… dẫn tới cung ứng hàng hoá cho người dân hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sự thống nhất của Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Bộ Công Thương), sự tham gia của các lực lượng, tổ chức xã hội… cũng như thí điểm mở cửa cho shipper hoạt động nên sau 1 tuần, việc cung ứng hàng hoá đã ổn định trở lại cho đến thời điểm này.

Theo ông Phương, có kết quả này là do sự liên kết giữa các sở ngành TP.HCM với các địa phương chặt chẽ nên đã phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của doanh nghiệp hết sức cao, đặc biệt các nhà cung ứng, phân phối, cùng sự vào cuộc nhanh chóng của các ban ngành.

Thích ứng trong tình hình mới

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Dịch bệnh cũng đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Do đó, để chuỗi sản xuất- cung ứng hàng Việt không bị gián đoạn, theo ông Hoàn, ưu tiên hàng đầu phải là triển khai tốt các biện pháp phòng dịch, trong đó, tiêm chủng vắc xin là biện pháp quan trọng nhất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần kịp thời ban hành và hướng dẫn thống nhất từ Trung ương đến địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch, thích ứng an toàn với dịch bệnh song song với duy trì và từng bước phục hồi sản xuất, tránh để tình trạng “cát cứ”, áp dụng không thống nhất giữa các địa phương gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng như thời gian vừa qua.

“Bảo đảm chuỗi cung ứng được thông suốt trên cơ sở áp dụng thống nhất các chính sách phòng dịch là điều kiện tiên quyết để hoạt động sản xuất và thương mại được duy trì ngay cả trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Đồng thời, triển khai hiệu quả, hợp lý các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là nhóm dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, như cú sốc dịch bệnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại là nhóm tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế.

Thu Hằng