Mới đây, VietNamNet nhận được phản ánh về việc nhiều máy gạn tách tiểu cầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy bị ngưng hoạt động và có tình trạng thiếu túi đựng máu (dùng cho hiến máu tình nguyện). 

Nguồn tin cho hay, nhu cầu dùng tiểu cầu cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang cao, bệnh viện phải tổ chức tiếp nhận tiểu cầu thường xuyên. Tuy nhiên, do chờ đấu thầu, thiếu sinh phẩm, hóa chất nên dù có nhiều máy móc cũng không thể sử dụng. 

Anh T. – một người có kinh nghiệm trong việc hiến tiểu cầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thêm, thông thường, người hiến mất khoảng 1 giờ tính từ lúc nằm lên giường để rút máu. Tuy nhiên gần đây, thời gian hiến kéo dài có khi đến hơn 1 tiếng rưỡi. 

“Một số cô bác đi hiến tiểu cầu phải nằm nhiều hơn trước, họ cảm thấy mệt mỏi hơn, có người chuyển sang trung tâm khác để hiến. Chúng tôi chỉ biết rằng có khó khăn trong máy móc”, anh nói.  

Khu vực hiến tiểu cầu, Trung tâm truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 5/9, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận có tình trạng một số máy gạn tách tiểu cầu hiện ngưng hoạt động. 

Cụ thể, về sản xuất và cung cấp khối tiểu cầu gạn tách từ một người cho, Trung tâm truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có 1 hệ thống gạn tách tiểu cầu (gồm 12 máy) hoạt động thay cho 3 hệ thống như trước đây. Những hệ thống tạm ngưng sử dụng vì đã hết thầu và đang trong giai đoạn đấu thầu.  

Để đảm bảo cung cấp tiểu cầu cho nhu cầu cấp cứu, điều trị, Trung tâm truyền máu đã tổ chức tiếp nhận, sản xuất tiểu cầu từ 3-4 ca một ngày để sản xuất ra trung bình 40-50 khối tiểu cầu. Trong bối cảnh này, việc cung cấp tiểu cầu sẽ bị muộn hơn. 

“Ví dụ, khi xin tiểu cầu buổi sáng thì buổi chiều mới có, do phải sản xuất, xét nghiệm huyết thanh học và sinh học phân tử”, đại diện bệnh viện lý giải.

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, dự kiến đến giữa tháng 9/2022 mới có kết quả thầu bộ kít sản xuất tiểu cầu pool từ máu toàn phần, đến cuối tháng 9/2022 mới có kết quả thầu của các bộ dụng cụ gạn tách còn lại. Khi đó các hoạt động cung ứng tiểu cầu có thể được đảm bảo. 

Máy gạn tách tiểu cầu tạm ngưng hoạt động. Ảnh: T.A.

Trung tâm truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng khẳng định không có việc thiếu túi đựng máu hiến, việc tiếp nhận máu đang rất ổn định và đáp ứng nhu cầu điều trị; Trung tâm đảm bảo hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm cho túi máu, tiểu cầu. 

Tiểu cầu được sử dụng để truyền cho một số bệnh nhân sốt xuất huyết, những bệnh lý gây giảm tiểu cầu, trường hợp phẫu thuật, sản khoa... Bệnh nhân ung thư máu, rối loạn đông máu, suy tủy... cũng cần truyền tiểu cầu liên tục. 

Hiện nay, sốt xuất huyết đang hoành hành, giảm tiểu cầu là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Nếu hạ tiểu cầu quá nhiều, người bệnh có thể bị chảy máu tự nhiên dưới da, chảy máu cam, chân răng, xuất huyết nội tạng... Do đó, nhu cầu về tiểu cầu trong mùa dịch sốt xuất huyết của các bệnh viện sẽ tăng cao hơn. 

Hiến tiểu cầu là gì?

Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong máu, có nhiệm vụ làm đông máu. Người bình thường có khoảng 150.000 - 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu. Tiểu cầu có đời sống trung bình ngắn, từ 3-5 ngày. Quy trình hiến tiểu cầu gồm 3 bước:

- Lấy máu, máu được đưa trực tiếp vào máy chiết tách tế bào.
- Máy chiết tách tế bào sẽ ly tâm, tách và giữ lại thành phần tiểu cầu.
- Máy truyền trả lại những thành phần khác như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương cho người hiến.

Truyền tiểu cầu được chỉ định để điều trị và phòng ngừa chảy máu ở bệnh nhân do giảm tiểu cầu nghiêm trọng. Tình trạng này có thể là hệ quả của suy tủy, làm giảm sản xuất tiểu cầu hay do rối loạn chức năng tiểu cầu.