Trong tuần 35/2022 (ngày 29/8 đến 4/9) cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (10.852 ca mắc và 3 trường hợp tử vong), số mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18,1%.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 190.005 trường hợp mắc, 72 ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021 (47.048 ca mắc và 19 ca tử vong) số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.
BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhận định, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó. Nguyên nhân có thể do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau nhiễm Covid-19, có các thay đổi về miễn dịch góp phần ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi thiếu thuốc hoặc nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Ngoài ra do suốt 2 năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị Covid-19, đã xuất hiện tình trạng có nơi, có lúc, một số bác sĩ "quên" kiến thức về sốt xuất huyết.
Đối tượng mắc sốt xuất huyết nguy cơ chuyển nặng
Theo Sở Y tế TP.HCM, phụ nữ mang thai, trẻ béo phì, trẻ nhũ nhi, người có bệnh nền là nhóm nguy cơ chuyển nặng khi mắc bệnh. Hiện nay, thai phụ mắc sốt xuất huyết được yêu cầu nhập viện sớm để theo dõi.
Sốt xuất huyết là căn bệnh quen thuộc, tồn tại hàng chục năm qua tại Việt Nam. Đa số bệnh nhân đều tự phục hồi sau 7-10 ngày, chỉ một bộ phận chuyển nặng nên khiến nhiều người lơ là.
Sốt xuất huyết thường giảm sốt sau ngày thứ 3, người bệnh dễ chịu hơn và nghĩ rằng đã khỏi bệnh. Nhưng đây lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất, dễ xảy ra các biến chứng.
Theo các bác sĩ, trong giai đoạn ngày thứ 3-7 của bệnh, khoảng 10-20% bệnh nhân mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của sốc.
Nếu không được nhập viện, hồi sức kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Diễn biến này có thể xảy ra ở mọi đối tượng mắc sốt xuất huyết. Hiện đã ghi nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết bị truyền dịch sớm, tiêm thuốc vào bắp khiến bệnh trở nặng, nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết, mục đích của truyền dịch để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Nhiều người "cứ mệt" là truyền dịch và thông thường sẽ được tư vấn truyền nước biển, vitamin, đạm. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần truyền dịch và không phải ai cũng được phép thực hiện truyền dịch.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, khẳng định, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ được truyền dịch khi có dấu hiệu cảnh báo hoặc đã chuyển nặng. “Việc truyền dịch sớm ở cơ sở không giúp ích gì cho bệnh nhân mà khó khăn hơn cho bệnh viện tuyến cuối vì nguy cơ quá tải dịch truyền”, bà Như nói.