Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, tỉnh không hề bị “cô lập” hay “ngăn sông cấm chợ”. Đội xe liên tỉnh 560 đầu xe thuộc 12 doanh nghiệp vận tải luôn sẵn sàng cho hoạt động thông thương.
Ảnh minh họa. Đình Thành |
Trao đổi với VietNamNet, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đương nhiên có những khó khăn, cản trở trong quá trình lưu thông hàng hóa.
“Các tỉnh đều ban hành quy trình phòng chống dịch, trong đó có những quy định mang tính đặc thù. Việc vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản… sẽ mất thời gian hơn do phải thêm các thủ tục khai báo y tế, phun thuốc khử khuẩn....; thủ tục qua rất nhiều chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh do các tỉnh thiết lập; công đoạn đảm bảo hàng hóa, phương tiện, con người vận chuyển đảm bảo an toàn dịch tễ…
Ông Tuấn nói, ngay từ đầu tháng 5, Bắc Giang đã chủ động đề nghị các tỉnh lân cận phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động thông thương, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nhất là những mặt hàng quan trọng như vải thiều Lục Ngạn, dứa Lục Nam… sắp đến mùa vụ thu hoạch.
“Về cơ bản, các tỉnh đều đã đồng ý, có phương án hỗ trợ, phối hợp với Bắc Giang trong vấn đề vận chuyển thông thương tuân thủ theo các quy chế phòng chống dịch bệnh. Đến nay, tuy có khó khăn hơn so với điều kiện bình thường nhưng chưa có gì quá phức tạp, căng thẳng. Bắc Giang luôn có phương án, kế hoạch chủ động”, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết.
Bắc Giang đã yêu cầu Hiệp hội Vận tải và 12 các doanh nghiệp vận tải của tỉnh chuẩn bị 560 đầu xe chở hàng hóa; đảm bảo an toàn về thiết bị, con người, giá cước vận chuyển. Đây sẽ là những phương tiện chủ lực vận tải hàng hóa, bao tiêu nông sản của Bắc Giang… trong mùa dịch.
“Phương tiện, con người đều được đảm bảo an toàn về dịch tễ. Lái xe được kiểm tra sức khỏe, được xét nghiệm y tế liên tục, có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 của cơ quan y tế… để đủ điều kiện vận hành phương tiện lưu thông đi cả nước. Hàng hóa có giấy chứng nhận an toàn, có xuất xứ nguồn gốc…”.
Theo ông Tuấn, tỉnh đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận cho 190 thương lái người Trung Quốc được nhập cảnh về Bắc Giang để thu mua vải thiều.
Tuy nhiên, mới đây phía Trung Quốc phản hồi không sang được do các quy định ngặt nghèo về công tác phòng/chống dịch của họ. Do đó, mọi việc bao tiêu sản phẩm, Bắc Giang sẽ phải chủ động các công đoạn.
“Bắc Giang đã thành lập 2 tổ công tác lên 2 tỉnh có cửa khẩu là Lạng Sơn và Lào Cai để phối hợp tiêu thụ. Sáng 25/5, tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Công Thương, chúng tôi đã đề nghị Bộ chỉ đạo phối hợp với tổ công tác hỗ trợ thủ tục xuất khẩu vải thiều và giải quyết vướng mắc giữa thương nhân của 2 nước; có ý kiến với Lào Cai, Lạng Sơn làm việc với phía Trung Quốc ưu tiên “luồng xanh” lưu thông cho xe vải thiều Bắc Giang, không để tồn trong ngày”
Về phía tỉnh, Bắc Giang cho biết sẽ đảm bảo không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp, kênh phân phối găm hàng, tăng giá bất hợp lý, hàng giả, kém chất lượng; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường.
“Trong điều kiện dịch bệnh, chúng tôi xác định phải luôn có các phương án chủ động, tránh bị động, thụ động, không để tình trạng nông sản bị ùn ứ, không bao tiêu được phải “giải cứu”. Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong tỉnh, không để khan hàng, hết hàng.
Kế sách xuyên tâm dịch
Bắc Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trong nhóm đứng đầu cả nước. Giữa cao điểm bùng phát dịch, một số nông sản của tỉnh lại bước vào giai đoạn chính vụ thu hoạch như vải thiều Lục Ngạn, dứa, dưa hấu… Lục Nam.
Đàn gia súc, gia cầm của tỉnh này hiện có khoảng 1.700 tấn gà, 5.600 tấn lợn thương phẩm. Ước tính, tổng giá trị những cây, con chủ lực đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện nay lợn, gà vẫn tiêu thụ được nhưng giá thấp. Vải thiều sớm tiêu thụ thuận lợi do sản lượng ít, nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển vào miền Nam qua rất nhiều chốt kiểm soát nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng quả vải.
“Trước khó khăn về vận tải, đi lại, thương mại điện tử là một trong các giải pháp. Tỉnh cũng chủ động mời các sàn thương mại điện tử ký kết tiêu thụ nông sản, liên hệ với các đầu mầu phân phối quy mô lớn để tiêu thụ trong nước. 3 kịch bản sản xuất đối với quả vải thiều Lục Ngạn đã được xây dựng là một ví dụ”, ông Phan Thế Tuấn nói.
Bí thư huyện Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh thông tin, mùa thu hoạch vải sớm của huyện này khoảng 30.000 tấn, hiện đã tiêu thụ được khoảng 50%. Vải sớm ở các huyện trên toàn tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 27.000 tấn, giá vải đầu vụ khá được giá so với năm ngoái.
Tuy nhiên, vụ vải thiều chính vụ sắp bắt đầu với sản lượng khoảng 180 nghìn tấn là điều khiến Lục Ngạn khá lo lắng.
“Thu hoạch vải chính vụ sẽ sử dụng tới khoảng 30.000 lao động phục vụ thu hái, đóng thùng, các công đoạn khác… Ngoài ra, một số lượng lớn các lao động sản xuất đá lạnh để bảo quản quả vải, chủ yếu là lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Đối với những lao động làm theo mùa vụ, chúng tôi cũng yêu cầu đảm bảo khai báo y tế, có xác nhận của nơi đi, và kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm y tế tại nơi đến. Bắc Giang sẽ miễn phí xét nghiệm y tế cho tất cả các lao động này để đảm bảo tiến độ, kế hoạch chung”, Bí thư huyện Lục Ngạn cho hay.
Trưởng phòng Kinh tế TP Bắc Giang Trần Văn Thanh cho biết, TP đã có kế hoạch cụ thể đảm bảo không khan hàng, thiếu thốn hàng hóa… phục vụ nhân dân trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
“Thành phố đã lên kế hoạch chuẩn bị 5.000 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Các điểm phân phối lớn tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cam kết bán hàng liên tục, đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Thanh cho hay.
Hồng Khanh