Tài nguyên quý giá

Trong thời gian đại dịch Covid bùng phát tại Việt Nam, Tập đoàn SCG (Thái Lan) hoạt động trong lĩnh vực xi măng- vật liệu xây dựng, hóa  dầu, bao bì đã triển khai sản xuất một loại giường bằng giấy, nhằm hỗ trợ tức thì cho nhu cầu cấp thiết của các cơ sở y tế. Những chiếc giường này được làm từ 100% giấy tái chế, thân thiện với môi trường và rất chắc chắn. Một chiếc giường ngủ đơn có thể chịu được tải trọng lên đến 100kg, cùng với khả năng mang lại sự thoải mái và an toàn, dễ vận chuyển và lắp đặt, dễ dàng xử lý sau khi sử dụng xong.

Hàng trăm chiếc giường đã được SCG cung cấp cho các bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang, Hải Dương, TP.HCM,... hỗ trợ đắc lực cho các cơ sở y tế trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Giường làm từ giấy tái chế dùng cho nhu cầu cấp bách.

Cũng tại Việt Nam, thời gian qua các nhà máy của Công ty Nestlé đã tận dụng nguyên liệu thải ra trong quá trình sản xuất cà phê, để sản xuất gạch. Theo đó, bã cà phê tách ra sau khi chế biến, được sử dụng làm chất đốt cho lò hơi, làm giảm tiêu thụ khí đốt CNG và giảm thải khí carbon gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Nestlé thu gom xỉ từ lò hơi, hình thành sau quá trình sản xuất cà phê để sản xuất gạch không nung, thay vì thải ra môi trường.

Đến nay, đã có gần 5 triệu viên gạch không nung được sản xuất từ bã cà phê đạt tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng và được ứng dụng rộng rãi ở các công trình dân dụng lẫn công nghiệp. Hiện các nhà máy của Nestlé không có phát thải chôn lấp ngoài môi trường, giảm gần 13.000 tấn carbon mỗi năm…

Những sản phẩm như giường giấy hay gạch làm từ bã cà phê chính là mô hình “kinh tế tuần hoàn” đã xuất hiện tại Việt Nam ở cấp độ DN, một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ, bởi sự bền vững và tính hiệu quả của nó.

“Kinh tế tuần hoàn” được hiểu là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục, thông qua việc thay đổi về tư duy thiết kế hàng hoá, dịch vụ và thay đổi về hành vi tiêu dùng. Từ đó, kéo dài tuổi thọ của vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối của hệ thống trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.

Nó khác hoàn toàn với mô hình “kinh tế tuyến tính”, có đặc điểm là khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên, làm đầu vào cho sản xuất, rồi tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường. Vì vậy, dẫn đến gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022 với chủ đề “Phát thải ròng bằng không - Từ cam kết đến hành động” do Tập đoàn SCG cùng mạng lưới đối tác DN Thái Lan, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nôi ngày 28/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, để giữ mức tăng nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trong đó, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Tuy nhiên, chuyển đổi năng lượng cùng với tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng, chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn 45% nằm ở các giải pháp về “kinh tế tuần hoàn”.

Dân số thế giới dự kiến đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030, tăng thêm lên đến 9,7 tỷ người vào năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100, trong đó 68% sẽ sống ở các khu vực thành thị. Nếu cứ theo mô hình “kinh tế tuyến tính” sẽ phải tìm được 3 trái đất giống như trái đất của chúng ta hiện nay mới có thể cung ứng đủ nhu cầu. Con người đã thiết kế ra hệ thống kinh tế gắn liền với rác thải và làm cạn kiệt tài nguyên, điều này cần phải thay đổi.

Đón cơ hội lớn

Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Dù chỉ là nước nhỏ, xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm. Cùng với đó tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế.

Các dự báo cho thấy, lượng rác thải tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng gần 15 năm tới. Rác thải ngày càng tăng nhưng tái chế kém hiệu quả, chủ yếu vẫn là chôn lấp, vừa lãng phí vừa gây ra vấn đề môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là ưu tiên trong phát triển hiện nay. 

Con người đã thiết kế ra hệ thống kinh tế gắn liền với rác thải, làm cạn kiệt tài nguyên, cần phải thay đổi.

Việc chuyển đổi sang nền “kinh tế tuần hoàn” là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững. Các nghiên cứu cho thấy, “kinh tế tuần hoàn” giúp tăng hiệu quả kinh tế, tăng việc làm, giảm thiểu tác động tới môi trường. Theo ước tính tại châu Âu, “kinh tế tuần hoàn” có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, với 580.000 việc làm mới và làm trong sạch môi trường.

Thách thức lớn nhất khi chuyển đổi sang “kinh tế tuần hoàn” tại Việt Nam hiện nay chính là nhận thức của chính quyền, của DN và người dân. “Kinh tế tuần hoàn” gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình mới, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

Không những thế, cho đến nay, chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho phát triển các mô hình “kinh tế tuần hoàn”, cũng chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển, của các mô hình kinh tế đã có, từ đó có kế hoạch triển khai thực hiện và nhân rộng. Nếu không thay đổi cách thức phát triển, việc cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi.

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước kiến nghị, Nhà nước cần nhanh chóng hành động để thúc đẩy kinh tế đất nước chuyển đổi sang “kinh tế tuần hoàn”. Trước tiên, ban hành ngay hành lang pháp lý và tiêu chí về “kinh tế tuần hoàn”. Tiếp đến là liên kết các vùng, liên kết đô thị với nông thôn,... để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo tiêu chí của “kinh tế tuần hoàn”; phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải.

Đồng thời, khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện “kinh tế tuần hoàn”. Phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải. Huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện “kinh tế tuần hoàn”. 

Bỏ 52 tỷ mua trấu về nấu bia: Quyết định khó tin, hưởng lợi không ngờ

Những đòi hỏi về phát triển bền vững thường gây tốn kém hơn trong khi các doanh nghiệp lại muốn giảm giá thành và dịch vụ. Nhưng có bao giờ các doanh nghiệp nghĩ, phát triển bền vững sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế?