Để giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của các bên, đặc biệt sự góp sức của mỗi người dân đến từ những hành động đơn giản nhất.

Áp lực chất thải

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, lượng chất thải hàng ngày ở Việt Nam là 50.000 tấn, riêng tại các khu đô thị là 35.000 tấn/ngày. Trong đó đáng chú ý là 80% khối lượng rác này được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp. Nếu không chuyển đổi sang mô hình hiệu quả hơn, trong tương lai gần Việt Nam sẽ không còn đất để chôn lấp.

Trong khi số lượng rác thải tăng nhanh thì việc thu gom và xử lý đang là thách thức lớn. Rất nhiều vùng miền nhất là nông thôn, ven đô thị chất thải hiện chưa được thu gom, tự do thải ra ven đường, đồng ruộng, sông biển hoặc người dân tự ý gom đốt mỗi ngày. Đây có thể xem là một ẩn họa đối với môi trường và sức khỏe của những người sống xung quanh.

{keywords}
Các mô hình phân loại rác thải dần được triển khai rộng rãi, giúp nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. 

Với mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện các cam kết với quốc tế, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực từ chính sách đến thực tiễn trong quản lý chất thải. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý chất thải theo hướng coi chất thải là tài nguyên; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong các hoạt động tái chế, xử lý chất thải; thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải đi đôi với hạn chế sử dụng các chất độc hại, khó tái chế, khó phân hủy tự nhiên.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khởi động chương trình "Đối tác Hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam", Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: Để có thể xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, người dân của Việt Nam cũng như trên thế giới cần tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững.

Ông Andre Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 là một cơ hội để tái thiết những cộng đồng của chúng ta theo các mô hình bền vững nhằm tạo dựng một tương lai xanh hơn và tốt đẹp hơn cho tất cả. Và một trong những cách tiếp cận để đạt được điều này đó là việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn từ hành động nhỏ nhất

Khó khăn của công tác xử lý chất thải bắt đầu ngay từ khả năng phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam chưa thực sự phát huy vai trò hiệu quả.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia (năm 2020), lượng chất thải có khả năng phân hủy sinh học trong rác thải gia đình giảm dần, thay vào đó là xu hướng gia tăng từ những thành phần khó xử lý và khó tái chế. Chính vì thế, một trong những yêu cầu đặt ra đối với quản lý chất thải ở Việt Nam chính là thay đổi hành vi xả thải và quản lý tại nguồn.

Mới đây, Bộ TN-MT đã cùng với UNDP công bố thành lập Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam (Vietnam Circular Economy Hub) nhằm mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, và giới học thuật/ nghiên cứu trong áp dụng các nguyên tắc Kinh tế Tuần hoàn; tạo sức mạnh tổng hợp, và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia phát triển carbon thấp và tuần hoàn. Đã đến lúc phải biến lời nói thành hành động, và mỗi người đều cần thực hiện vai trò của mình.

Trong đó, tập trung vào thay đổi nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ là những người tiên phong mang đến sự thay đổi tích cực cho cộng đồng thông qua sự sáng tạo và tinh thần chủ động của họ. Đi đầu trong xu hướng này, nhiều DN đã xây dựng cho mình chiến lược phát triển bền vững đi kèm với trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ thế hệ trẻ có thêm nhận thức đầy đủ, và thay đổi hành vi nhỏ nhất để tạo nên chuyển biến lớn về xử lý chất thải.

Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với các doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood,... bên cạnh những nỗ lực hợp tác công - tư để đẩy nhanh quá trình thu gom, phân loại và xử lý chất thải một cách hiệu quả.

Đáng chú ý là thỏa thuận thiết lập hợp tác công-tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn, có sự tham gia của Tập đoàn SCG, Công ty Hóa dầu Long Sơn (LSP), Unilever Việt Nam, Dow Việt Nam và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Tập đoàn SCG và LSP đã triển khai dự án thí điểm đầu tiên về phân loại rác tại nguồn tại trường tiểu học Long Sơn 1 và 2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này được thực hiện gắn với mục tiêu giáo dục học sinh, thế hệ trẻ bảo vệ môi trường và phân loại rác thải - hành động quan trọng để giải cứu và giảm thiểu những “núi” rác hiện hữu.

Dự án lần này cũng song hành với chính sách của địa phương trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn như một giải pháp hiệu quả nhằm quản lý rác thải nhựa, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

{keywords}
Các học sinh tại trường tiểu học ở Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu hào hứng với chương trình Phân loại rác thải.

Theo Phó Chủ tịch TP. Vũng Tàu, ông Võ Hồng Thuấn, Vũng Tàu đã có kế hoạch phân loại ban đầu chất thải nhựa và giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, tuy nhiên việc triển khai kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 và do mức độ nhận thức về vấn đề này của cộng đồng còn có phần hạn chế.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng và triển khai những mô hình bền vững và khả thi cho TP Vũng Tàu”, ông nói.

Song song với dự án phân loại rác, SCG còn có những hoạt động quan trọng góp phần quản lý rác thải, bảo vệ môi trường. Từ năm 2009, SCG đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về Phát triển Bền vững để làm việc với các đối tác nhằm đưa ra các giải pháp cho tương lai bền vững của khu vực ASEAN và toàn cầu. Với sự tham gia của nhiều bên, hy vọng rằng, sẽ nâng cao được ý thức và thúc đẩy hành động của cộng đồng trong việc xử lý rác thải, giúp giảm tải và cùng nhau hướng đến nền kinh tế tuần hoàn xanh, sạch hơn.

Mai Hòa

Đủ thứ rác thải bỏ đi, lên chợ mạng bán thu tiền triệu

Đủ thứ rác thải bỏ đi, lên chợ mạng bán thu tiền triệu

Vỏ trứng, vỏ lạc, tro, rơm rạ,... những thứ phế phẩm sau thu hoạch đang bỏ đi nhưng khi đưa lên mạng lại bán có giá.