Thực hiện nhiệm vụ năm học 2023- 2024, sáng 30/10, trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) tổ chức tiết học Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch với chủ đề “Giao tiếp ứng xử”.

anh 1 truong han chu trinh.jpeg
NGƯT Nguyễn Thanh Hà, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Phan Chu Trinh. 

Tiết học được tổ chức công phu, dưới sự thực hiện của các lớp 8A1, 8A2, 8A3, 8A4 và 8A5. Tiết học được chia thành ba phần chính: Tìm hiểu nét thanh lịch của người Hà Nội; Giao tiếp ứng xử của học sinh trong trường; Giao lưu với khán giả qua phần trò chơi “Đố vui có thưởng”.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet về hoạt động này, NGƯT Nguyễn Thanh Hà, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Phan Chu Trinh cho biết, trường học là nơi lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.

Trong hành trình trưởng thành của mỗi người, những kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè sẽ mãi còn in đậm mãi trong ta. Tất cả điều đó đều tạo cho chúng ta một môi trường vui chơi, học tập tốt nhất. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những ý thức kém, những cách đối xử vô tâm với bạn bè…. Điều đó làm mất đi vẻ đẹp của một người học sinh Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chính vì vậy, tiết Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với chủ đề: “ Giao tiếp ứng xử” của nhà trường nhằm mục đích giúp học sinh trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp ứng xử, đồng thời hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho các con học sinh nhà trường.

"Hoạt động cũng giúp mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường, góp phần cải tiến môi trường học đường lành mạnh, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu rèn luyện, học tập của thế hệ trẻ trong thời kỳ đất nước đổi mới và phát triển”, nhà giáo Nguyễn Thanh Hà nói.

anh 2 truong phan chu trinh.jpeg
Học sinh trường THCS Phan Chu Trinh tìm hiểu nét thanh lịch của người Hà Nội. 

Bên cạnh đó, hoạt động cũng là cầu nối giúp gắn kết gia đình, nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Thông qua hoạt động này, mỗi phụ huynh học sinh nhà trường sẽ hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con em mình. Từ đó, góp phần xây dựng, duy trì một môi trường giáo dục lịch sự, văn minh, đáp ứng yêu cầu của thời đại hội nhập quốc tế và xứng đáng với truyền thống 78 năm xây dựng và phát triển của nhà trường.

Thầy Nguyễn Trọng Phúc, giáo viên Chủ nhiệm lớp 8A3 cho biết thêm, học đường là nơi hình thành và phát triển một mối quan hệ hết sức cao quý - tình nghĩa thầy trò.

Với học trò, thầy cô luôn được xem là người cha người mẹ thứ 2 trong cuộc đời. Còn với giáo viên, mỗi lứa học trò như một chuyến đò đầy những yêu thương, dày công vun đắp giáo dục, uốn nắn của người làm cha làm mẹ với những đứa con của mình.

“Do vậy việc xây dựng văn hoá học đường luôn có vai trò vô cùng quan trọng với cả thầy và trò. Đặc biệt là xây dựng văn hoá học đường thông qua giao tiếp ứng xử. Điều đó góp phần tạo lập một môi trường giáo dục đảm bảo kỉ cương - tình thương - trách nhiệm. Văn hoá học đường thông qua giao tiếp ứng xử sẽ mang đến một mái trường ấm áp, thân thiện, có sự bao dung, chỉn chu, gương mẫu của người thầy ; có sự kính nể, yêu mến, trân quý của người trò…”, thầy Phúc nói.

“Văn hoá ứng xử học đường là vô cùng cần thiết”, là chia sẻ của học sinh Trần Minh Anh lớp 8A5 sau tiết học văn minh thanh lịch. 

Minh Anh cho biết, bản thân thấy việc giáo dục về văn hóa ứng xử học đường là vô cùng cần thiết, tất cả mọi người đều nên được trao đổi và hiểu về vấn đề này, để môi trường học đường thêm an toàn, văn minh và là nơi mà học sinh, phụ huynh nào cũng tin tưởng.

“Em thấy tiết học này rất ý nghĩa và bổ ích, giúp học sinh hiểu thêm về những việc cần làm để ứng xử tốt nhất. Em đã hiểu được phải ứng xử lễ phép, ngoan ngoãn với thầy cô; đối với bạn bè, dù luôn giúp đỡ và tốt bụng với các bạn, thì có lẽ thi thoảng vẫn chưa ứng xử nhẹ nhàng với các bạn, nên em sẽ sửa đổi bản thân để có thể nói chuyện, trao đổi với các bạn một cách nhẹ nhàng, tinh tế hơn”, Minh Anh nói. 

Thúy An và nhóm PV, BTV