Những ngày qua, vụ việc Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp) bị đổi thành “Nghĩa trang nghệ sĩ” khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Chiều 20/6, Hội Sân khấu TP.HCM đã chỉ đạo Ban ái hữu gỡ bảng "Nghĩa trang nghệ sĩ" ở cổng để trả lại hiện trạng ban đầu. 

Trong buổi họp ban chấp hành Hội Sân khấu ngày 23/6 do NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội chủ trì, đại diện Ban Ái hữu (quản lý Chùa Nghệ sĩ) đã lên tiếng nhận trách nhiệm thiếu sót vì “đã vội vàng với mong muốn chấn chỉnh lại hoạt động của Chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ".

Vụ việc gây tranh cãi trong khán giả, đặc biệt những văn nghệ sĩ trong giới sân khấu miền Nam gần một tuần qua. Nhiều người bày tỏ quan điểm phản đối, cho rằng đây là hành động góp phần khiến khu di tích mang ý nghĩa tâm linh – nghệ thuật của TP.HCM và cả miền Nam bị xóa bỏ. 

Nên tìm cách quản lý chùa thay vì gỡ bỏ

NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương đề xuất ý kiến nên tìm cách quản lý thay vì dỡ bỏ chùa.

Trao đổi với VietNamNet, NSND Bạch Tuyết cho biết quyết định về Chùa Nghệ sĩ tùy thuộc vào đơn vị quản lý có thẩm quyền. Tuy nhiên, bà cho rằng cũng nên có cách làm linh động, tìm cách quản lý thay vì dẹp bỏ. 

Bạch Tuyết đề xuất ý kiến có thể giao chùa cho Giáo hội Phật giáo quản lý. Hội này sẽ có vai trò bổ nhiệm các sư, tổ chức các nghi thức thờ cúng cũng như giúp cho các nghệ sĩ việc an nghỉ, chôn cất khi trăm tuổi già. 

“Các anh chị em nghệ sĩ khi về già cần nơi nương tựa. Giống như bà con mình đi đến đâu nhìn thấy đình, chùa… thì biết đó là quê hương. Các anh chị em nghệ sĩ cũng có nghĩa trang chôn cất khi qua đời. Chùa Nghệ sĩ rất thiêng liêng, bởi nó mang hồn dân tộc của nghệ thuật sân khấu truyền thống", Bạch Tuyết chia sẻ. 

Đồng tình với Bạch Tuyết, NSND Minh Vương nói ông tiếc nuối nếu Chùa Nghệ sĩ bị dẹp bỏ. Nam nghệ sĩ cho rằng chùa không dừng ở việc thờ cúng, tâm linh mà mang ý nghĩa về văn hóa to lớn của giới sân khấu hơn 60 năm qua. Do đó, các cấp quản lý nên lắng nghe dư luận để có giải pháp đúng đắn và hợp lòng dân. 

Xóa bỏ chùa là tổn thương nghệ sĩ, khán giả

Là người gắn bó với Chùa Nghệ sĩ hơn 20 năm, nghệ sĩ Hồng Tơ từng nhiều lần quyên góp vàng, tiền mặt để cùng các đồng nghiệp sân khấu xây dựng, trùng tu di tích này. 

Khuôn viện mộ NSND Phùng Há - một trong những người sáng lập Chùa Nghệ sĩ.

Theo nam nghệ sĩ, ngôi chùa là di sản của các nghệ sĩ tiền nhân đi trước như NSND Phùng Há, NSND Năm Châu. Do đó, việc của thế hệ tiếp nối là cần có trách nhiệm giữ gìn, phát huy và cân nhắc kỹ lưỡng trước mọi quyết định để tránh gây dư luận trái chiều. 

“Hành động gỡ bỏ chùa, thay bảng hiệu mà không có thông báo, chính sách rõ ràng chẳng khác nào tổn thương nghệ sĩ và cả khán giả. Do đó, việc mọi người phản ứng là điều tất nhiên. Bởi đây chẳng khác một hành động phủ nhận đi công lao của các bậc tiền nhân...”, Hồng Tơ nói. 

Chị Nguyễn Thị Bích Hoa (tên thường gọi là Thủy) - cháu của NSND Phùng Há  - cũng là người làm công quả nhiều năm trong chùa nói tổn thương sau vụ việc. “Tôi mong các cấp lãnh đạo sau khi họp sẽ có chính sách hợp lý, giúp tôi và những sư, phật tử trong chùa có thể tiếp tục ở lại chùa để tiếp tục công tác tu tập, lo chăm sóc quét dọn chùa và mộ phần của các nghệ sĩ”, chị nói.

Cô Mười – người buôn bán trước cổng Chùa Nghệ sĩ cho biết không riêng gì mình mà nhiều người dân cảm thấy buồn khi chùa đóng cửa. Việc các sư được mời dọn ra ngoài theo yêu cầu của Ban Ái hữu khiến các hoạt động nghi lễ, thờ cùng phải ngưng lại trong nhiều tháng qua. “Tôi hy vọng chùa được giữ như một phần của minh chứng lịch sử. Từ thời cha mẹ tôi thường mỗi dịp mùng một, ngày rằm hay lễ Phật đều đến đây, giờ nếu chỉ còn mỗi nghĩa trang sẽ rất quạnh quẽ”, chị nói. 

NSƯT Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho biết nắm được thông tin liên quan đến vụ việc. Sở trong chiều 20/6 đã có văn bản báo cáo lên UBND TP và đề xuất 3 nội dung liên quan đến việc rà soát, trùng tu và hướng quản lý chùa. 

Đại diện Sở khẳng định Chùa Nghệ sĩ không chỉ là địa chỉ tôn kính đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ, có giá trị to lớn về mặt tinh thần trong đời sống của văn nghệ sĩ mà còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của thành phố.

Hiện Sở VH-TT đề nghị UBND TPHCM giao UBND quận Gò Vấp và Hội Sân khấu làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp để hướng dẫn hoạt động thờ cúng nghệ sĩ tại đây.

Nhà báo Thanh Hiệp, đại diện Ban chấp hành Hội Sân khấu TPHCM thông tin giữa Hội và Ban Ái hữu nghệ sĩ sẽ có thêm cuộc họp, để có thể sắp xếp, quản lý tốt khu vực Chùa Nghệ sĩ trong thời gian tới. 

Tuấn Chiêu

Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM nhận lỗi vì vội vàng tháo bảng tên Chùa Nghệ sĩĐại diện Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM - đơn vị trực thuộc Hội Sân khấu TP nhận trách nhiệm thiếu sót trong công tác tháo gỡ bảng tên Chùa Nghệ sĩ khiến dư luận bức xúc.