Chiều 20/6, Chùa Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp (TP.HCM) được tiến hành gỡ bỏ bảng hiệu ‘Nghĩa trang nghệ sĩ’. Động thái này do phía Hội Sân khấu TP chỉ đạo sau khi có chuyến khảo sát, gặp gỡ phía người ở chùa cũng như ban Ái hữu (quản lý chùa Nghệ sĩ) vào trưa cùng ngày.

Bảng hiệu 'Nghĩa trang nghệ sĩ' trước và sau khi được gỡ bỏ vào chiều 20/6. 

Trao đổi với VietNamNet, chị Nguyễn Thị Bích Hoa (tên thường gọi là Thủy) - cháu của NSND Phùng Há cho biết sau buổi làm việc, Hội Sân khấu đã quyết định trả cổng chùa về nguyên vẹn như cũ. “Sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi, phía lãnh đạo Hội cho biết trước mắt sẽ gỡ bảng hiệu. Họ nói sẽ về họp gấp với các bên liên quan để tìm hướng giải quyết cụ thể”, chị chia sẻ.

NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM nói sau khi nắm thông tin từ 2 phía chùa và ban Ái hữu nghệ sĩ, ông đã trực tiếp đưa ra chỉ đạo trên. Đại diện phía Hội cho hay sẽ tiến hành họp ban chấp hành cùng với Tuyên giáo, Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM trong vài ngày tới để tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng.

Trong khi đó, một đại diện của Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp cho biết hiện vẫn chưa nhận được ý kiến hay thông báo cụ thể từ phía Hội sân khấu về việc đổi tên Chùa Nghệ sĩ những ngày qua. 

Ngoài đổi tên Chùa, phía Ban Ái hữu còn mời các sư dọn ra ngoài và ngưng các nghi lễ.

Như VietNamNet đã đưa tin, Chùa Nghệ sĩ được tháo bảng hiệu, thay bằng bảng tên 'Nghĩa trang nghệ sĩ'. Ngoài việc đổi tên chùa, Ban Ái hữu Nghệ sĩ cũng có động thái mời các sư dọn ra ngoài. Các nghi lễ ở chùa trước nay như tụng kinh, thắp hương,... bị ngưng lại. Việc này khiến dư luận, đặc biệt là các văn nghệ sĩ xôn xao, phản ứng.

Chùa Nghệ sĩ (còn gọi là chùa Nhật Quang – PV) là nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ sân khấu tại TP.HCM. Năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp với mục đích làm nơi chôn cất cho các nghệ sĩ sau khi qua đời. Do kinh phí hạn hẹp, đất bị bỏ không gần 10 năm.

Trong thời gian nghệ sĩ Phùng Há chưa có đủ kinh phí để xây dựng, ông bầu Năm Công xin được dựng am trên đất để tu hành. Năm 1970, ông bầu Xuân của gánh hát Dạ Lý Hương bỏ ra 100 cây vàng mua lại am thờ của bầu Năm Công và xây dựng thành ngôi chùa.

Từ đó, nơi đây trở thành nơi quy tập hài cốt của các nghệ sĩ sân khấu TP.HCM. Tính đến 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa có gần 600 ngôi mộ, hơn 500 lọ cốt.

Tuấn Chiêu

Thực hư thông tin chùa Nghệ sĩ sẽ bị dẹp bỏ?Trước thông tin chùa Nghệ sĩ sẽ bị dẹp bỏ, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM cho hay sẽ tổ chức họp bàn và thông báo chính thức trong vài ngày tới.