Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) sau hơn 6 năm bị cảnh báo “thẻ vàng” đã có những chuyển biến. Tại đợt thanh tra lần thứ 3, Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU.

Trao đổi với báo chí về vấn đề gỡ thẻ vàng IUU, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, đây là vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị tham gia, cùng quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU. Trong đó, Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng bộ đi từng địa phương chỉ đạo trực tiếp, đôn đốc thực hiện.

Theo ông Luân, các quy định pháp luật đã được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là ở các địa phương thực hiện như thế nào.

Phải giải quyết tình trạng tàu cá vi phạm để gỡ thẻ vàng IUU (Ảnh: Diễm Phúc)

Chuẩn bị đón Đoàn thanh tra EC, Bộ đã nêu rõ 4 khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng. Đặc biệt, đối với quản lý tàu cá, lắp thiết bị giám sát hành trình từng địa phương đã có hướng dẫn cụ thể.  Song vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. 

"Luật Thủy sản, Nghị định 26, 42 quy định rõ hành vi phải xử phạt, nhưng các địa phương vẫn chủ yếu dừng ở nhắc nhở, cho ký cam kết". Ông Luân nói và nhấn mạnh, xử phạt là xử phạt, chứ không cam kết. Có địa phương xử phạt rất tốt, làm nghiêm, nhưng cũng có địa phương làm chưa cương quyết. Điều này ảnh hưởng tới kết quả triển khai chống khai thác IUU.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, các nhóm vấn đề EC đưa ra khuyến nghị trong đợt kiểm tra thứ 3 chúng ta đã thực hiện nghiêm túc, được đánh giá cao.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, quản lý và giám sát đội tàu cá còn thách thức lớn. Hiện nay, số lượng tàu chiều dài trên 15m có khoảng 30.000 chiếc. Tàu vi phạm vẫn còn, dù có giảm hơn so với năm ngoái rất nhiều.

Ông cũng nhấn mạnh vấn đề truy xuất nguồn gốc là bắt buộc với tàu cá khai thác. Theo đó, tàu cá đi khai thác phải có nhật ký, đến cảng cần báo trước 1 giờ, lượng hải sản đánh bắt phải được kiểm đếm đi các thị trường nào với tỷ lệ bao nhiêu, còn lại bao nhiêu…

"Việc xử lý vi phạm hành chính những tỉnh thực hiện với quyết tâm cao 100%, như Kiên Giang", ông cho hay. Ngoài ra, giải quyết truy xuất nguồn gốc của 6 tấn cá kiếm, 2 con tàu vi phạm, một số vụ án khởi tố cũng thể hiện quyết tâm cao của chúng ta trong việc gỡ thẻ vàng IUU.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hy vọng sau đợt thanh tra lần thứ 4 này của EC chúng ta trong thời gian sớm nhất sẽ gỡ được thẻ vàng này.

Trước đó, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu thăm và làm việc với các cơ quan của Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussel, Bỉ cũng đã bàn bạc về vấn đề chống khai thác IUU.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EC hỗ trợ Việt Nam trong công tác điều tra nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Đồng thời, triển khai các chương trình chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Trong đó, Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá của EU khẳng định, Ủy ban châu Âu sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển thủy sản bền vững. EU sẽ ban hành hướng dẫn về phát triển thủy sản bền vững theo đúng chiến lược của EU như thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn... EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU.

Tâm An