-Nước Việt trước sau phải hành động. Vì hiện tại và vì tương lai của chính mình (tiếp theo và hết).

Xem bài 1: Biệt thự, hối lộ tình dục và muôn mặt giặc nội xâm

I-Không giống các lĩnh vực khác, kinh tế nước Việt lại có đủ các “cung bậc”, tự nhiên như quy luật thực tiễn đời sống nhân loại, nhất là khi cơ chế thị trường xuất hiện, tạo nên sự khởi sắc và đa dạng của lĩnh vực này. Bên cạnh doanh nghiệp nhà nước có doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh doanh nghiệp trong nước có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

{keywords}
Trong năm qua, VN đã mở nhiều tuyến cao tốc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có điều, số phận và vị trí địa- chính trị của nước Việt khiến dải đất S này dường như luôn đứng trước những “vật cản” phát triển. Vì thế, con số tăng trưởng kinh tế 5,8% cả năm 2014, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô được ổn định, có thể ghi nhận như một sự nỗ lực.

Nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ các chuyên gia kinh tế thế giới, đó chưa phải là tỷ lệ lạc quan và xứng tầm. Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới ngày o8/7 cho rằng, tăng trưởng kinh tế của VN vẫn ở mức khiêm tốn và dưới mức tiềm năng. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi VN phải đẩy mạnh những cải cách cơ cấu – tập trung vào tái cơ cấu các DNNN và khu vực ngân hàng, đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại VN thẳng thắn: Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn  triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc VN có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Còn nếu nhìn xa hơn ra các quốc gia, kinh tế nước Việt hẳn sẽ phải cúi đầu như bức tượng …Người suy tưởng của Rodin (Pháp).

Bởi báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 9/2014 cho thấy, điểm nổi bật là sự vươn lên mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh của các nước Đông Nam Á.

Có thể thấy Philippines tăng 07 bậc, lên vị trí 52; Thái Lan tăng 06 bậc lên vị trí thứ 31; Malaysia tăng 04 bậc lên vị trí 20; Indonesia tăng 04 bậc lên vị trí thứ 34. Trong khi đó, VN chỉ tăng 02 bậc, lên vị trí 68 (năm ngoái, vị trí 70), trên tổng số 144 quốc gia. Xét về thứ hạng, VN có nhích nhắc, nhưng chỉ số GCI của VN không được cải thiện, vẫn chỉ 4,2/7 điểm. Chưa kể các năm trước đó, VN đã bị tụt khá nhiều bậc. Mặc dù, khu vực châu Á- Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực năng động.

Mặt khác, tuy số dân đông thứ 13 trên thế giới, nhưng nền kinh tế nước Việt lại mới chỉ xếp hạng thứ 42/177 nền kinh tế (theo bảng xếp hạng của WB mới đây)

Điểm yếu căn cốt của sự lẹt đẹt này, đã từng được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế chỉ ra. Đó là sự đóng góp quá khiêm tốn so với ưu thế và tiềm năng sức dài vai rộng của các DNNN. Được ưu đãi sử dụng tới 70% đất đai, 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế, nhưng các DNNN chỉ đóng góp vỏn vẹn… 32% tổng GDP cả nước. Thế thôi!

{keywords}
Ảnh: baohaiquan.vn

Chính vì thế tái cơ cấu các DNNN là một giải pháp từng được coi là đột phá, để tổ chức lại sản xuất, tạo ra sức mạnh dòng chảy kinh tế. Tái cơ cấu đã từng được các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế phân tích tin tưởng, như “Tin ở hoa hồng”- tên một vở kịch hút khách của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 11/2014, trong thảo luận của các ĐBQH về chủ trương mang tầm vĩ mô này cho thấy, tái cơ cấu các DNNN đã khiến cho các chuyên gia, các nhà quản lý tin ở… cụ rùa Hồ Gươm hơn.

Đặc biệt nhất là việc thoái vốn ngoài ngành, rập khuôn phong cách đi nhanh về chậm. Gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính cần phải thoái vốn, đến thời điểm này mới chỉ thoái được gần 4.000 tỷ đồng. Tại phiên họp CP thường kỳ, người đứng đầu CP đã phải phát biểu: Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh, bình đẳng của cơ chế thị trường (PLT/P.HCM, ngày 31/7).

Nhưng thực tế các DNTN vẫn phải chịu cách đối xử nhất bên trọng nhất bên nhẹ. Chính vì thế, nếu năm 2012, khu vực DNTN đóng góp khá mạnh, tới hơn 2/3 GDP, ¾ giá trị sản xuất công nghiệp và 100% việc làm mới cho nền kinh tế, thì đến năm 2014, những dấu hiệu tổn thương, thiếu bền vững, dễ tan rã bởi nhiều nguyên nhân ở khu vực này cũng đã xuất hiện.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ DNTN ngừng hoạt động và giải thể ngày càng cao. Tính riêng năm 2013, có 60.737 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2012. Quy mô vốn trung bình trong khu vực này cũng giảm 3,6%, từ 25 tỷ đồng/doanh nghiệp xuống 24 tỷ đồng/doanh nghiệp. Sự đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của khu vực này vẫn chưa theo kịp sự phát triển chung của khu vực và thế giới; thấp hơn mức trung bình của các nước đang phát triển - dựa theo yếu tố đầu vào (Tạp chí Tài chính, ngày 06/10).

Đã dễ tổn thương bởi môi trường kinh doanh, trong hoạt động sản xuất, buôn bán, các DNTN còn bị gây khó dễ bởi những “vòng kim cô” trời ơi đất hỡi. Đó là câu chuyện gần 900 giấy phép cha (điều kiện kinh doanh cấp 01), hơn 2.100 giấy phép con (ĐKKD cấp 02) và gần 1.800 giấy phép cháu (ĐKKD cấp 03) vẫn xuất hiện như bươm bướm từ cấp quản lý nhà nước các Bộ chủ quản, kể cả sau hai tháng có cuộc tọa đàm về chủ đề này, gỡ nỗi khổ tâm cho các DNTN. Trong khi quyền tự do kinh doanh đã được đề cập đến trong các văn bản Hiến pháp và đạo luật.

Rõ là  quan ở xa, bản nha ở gần.

Chính vì thế, người viết bài rất chú ý tới ý kiến của TS Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc UBTVQH), khi ông cho rằng, để giải quyết tình trạng này, cần đưa ra quy định chỉ có luật, pháp lệnh và nghị định mới được đặt ra ĐKKD. Nhưng có vẻ như đến thời điểm này, “kinh doanh ca” của các DNTN chính là bài hát… Đợi (Thơ Vũ Quần Phương- nhạc Huy Thục)

Ngoại trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, một nền kinh tế, mà DNNN- doanh nghiệp chủ đạo ăn không nên làm không ra, chưa kể là nơi mầu mỡ cho các lợi ích nhóm, tham nhũng sống cộng sinh, còn DNTN lại là nơi một cổ ba, bốn “tròng” quấy quả, sẽ hiểu nền kinh tế đó đứng ở đâu trong xếp hạng của các quốc gia.

“Vật cản” sự phát triển không chỉ ở vị trí địa- chính trị, mà còn ở chính nội lực. Tại anh tại ả, tại cả tư duy kinh tế cho đến cơ chế tổ chức, quản lý và phát triển của nước Việt?

                                    *******************

II- Và vào đúng ngày lễ Noel, có một thông tin mới thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Đó là theo đồng hồ đo nợ toàn cầu của The Economist, nợ công của VN lên mức 86,2 tỷ USD trong ngày 25/12, tăng 10,3% so với năm ngoái. Như vậy, trung bình, mỗi người dân Việt đang gánh 950,16 USD nợ, chiếm 47% GDP.

Theo thang đánh giá, nợ công VN vẫn ở mức trung bình.  Cách đây 10 năm, nợ công Việt Nam là 19,3 tỷ USD, bình quân 234 USD mỗi người. Như vậy, trong một thập kỷ, tổng nợ đã tăng hơn gấp 04 lần. Trước đó, vào tháng 05, nợ bình quân tại Việt Nam là 850 USD (VnExpress, ngày 25/12).

 Cứ đà này, liệu nợ công của nước Việt có tỷ lệ thuận với thời gian?

Mặc dù, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á tổng nợ công và nợ bình quân VN ở mức thấp nhất. Nhưng điều đó cũng chẳng hé ra một niềm … hãnh diện nào với nước Việt, nếu biết rằng năng suất lao động của người Việt được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)  nghiên cứu vừa công bố vào tháng 5/2014 cho thấy, thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Thậm chí, so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của VN vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

{keywords}

Mặc cho những tranh cãi biện bạch, đổ tại cho mọi yếu tố khách quan, để bênh vực cho cái “thấp hơn gần 15 lần” đó, một vấn đề không thể lảng tránh được, là năm 2020, nước Việt cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu chiến lược đó có đạt được hay không, không nằm ở câu chữ báo cáo lạc quan, hay biện bạch đổ lỗi thiên tai, mà nằm ở những giải pháp kinh tế hôm nay mang ý nghĩa quyết định.

Ngày 5/12 mới đây, khai mạc Diễn đàn đối tác phát triển VN 2014, người đứng đầu CP đã phát biểu: Cải cách thể chế là trọng tâm chính sách phát triển (báo dientuchinhphu.vn, ngày 05/12). Cải cách thể chế từng là tâm điểm bàn bạc của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014. Nhưng cho đến bây giờ, dường như những tranh cãi về vấn đề này, mở lối đi kích thích kinh tế phát triển lại đang trở thành… lửng lơ.

{keywords}
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong năm vừa qua đã có nhiều phát biểu mạnh mẽ về cải cách thể chế. Ảnh: cafef.vn

Vì tư duy kinh tế cứng nhắc của người Việt cũng rất… ổn định? Hay vì những điều gì khác?

Còn người viết bài tâm đắc với những phân tích của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt khi ông chiêm nghiệm về nhân tình thế thái các cuộc cải cách của nhân loại, nghiệm ra rằng hầu hết các cuộc CC đều thất bại. Bởi các cuộc CC này đều có chung 03 nhược điểm. Đó là tính tình thế, và tính nửa vời, tính đồng bộ.

Tính tình thế của loại hình CC kinh tế ở các nước đang phát triển cho thấy CC kinh tế được tiến hành bởi sức ép bắt buộc của các tổ chức quốc tế, các hiệp định song phương hoặc đa phương, chưa phải là cuộc CC tự thân nội lực đòi hỏi để phát triển. Mà như thế thì nội lực cũng khó bền vững.

Tính nửa vời thể hiện ở chỗ các quốc gia này chỉ dừng lại ở cải cách thể chế kinh tế, tập trung đổi mới thể chế kinh tế cũ, không quan tâm đến chiến lược phát triển các lực lượng kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng mang tính toàn cầu. Quan trọng hơn, là không gắn liền cải cách thể chế theo hướng tiệm cận nền dân chủ.

Tính đồng bộ, là CC kinh tế phải gắn liền với CC giáo dục, lĩnh vực tạo ra nguồn lực của quốc gia trong tương lai.

Nhưng quy luật muôn đời là không một quốc gia nào có thể phát triển nếu không quyết đoán đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Nước Việt cũng không nằm ngoài quy luật bất di bất dịch ấy.

Và nước Việt trước sau phải hành động. Vì hiện tại và vì tương lai của chính mình.

Trên hành trình hội nhập, phải diệt trừ tham nhũng bằng cơ chế quản lý công khai, minh bạch, kiểm soát được nguồn gốc mọi tài sản. Đó là cái gốc của sự tìm lại niềm tin ở nhân dân.

Trên hành trình hội nhập, cải cách tư pháp phải được ưu tiên, để xây dựng nhà nước Trăm điều chỉ có thần linh pháp quyền. Đó là cái gốc của một xã hội kỷ cương, văn minh, lành mạnh.

Trên hành trình hội nhập, phải mạnh mẽ cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, kích thích mọi sáng tạo cá nhân. Đó là cái gốc của một nền kinh tế có luật chơi sòng phẳng, vững mạnh và tiến xa.

Nếu không, dân tộc Việt hôm nay có lỗi với cả tiền nhân và hậu thế.

  • Kỳ Duyên

 

Xem thêm các bài Nhìn lại năm 2014, hướng tới năm 2015:

Người Việt: Cứ mãi làm theo, sẽ luôn tụt hậu

40 năm trước hai nước ngang nhau. 40 năm sau người Hàn Quốc qua VN làm ông chủ. Còn người VN qua Hàn Quốc là làm thuê và làm dâu xứ người!

2014 bất ổn và khó đoán nhất

Dự đoán của các học giả cuối năm 2013 đều chệch hướng. 2014 là năm bất ổn, bất an và khó đoán định nhất từ trước đến nay.

Vũ khí dầu lửa của Putin bị vô hiệu hóa

Tác động rõ nét nhất là nước Nga của Putin đã bị tước đi vũ khí mạnh của mình đó là dầu lửa và con bài dầu lửa không còn hiệu quả.

Giấc mộng độc chiếm Biển Đông

Để thực hiện mục tiêu thành cường quốc biển thì ý đồ độc chiếm Biển Đông của TQ tiếp tục đặt ra thách thức nhiều mặt.

Vì lợi ích quốc gia, đừng để thua thiệt

Đặc trưng quan hệ quốc tế hiện nay là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Lợi ích quốc gia đan xen phức tạp.  Tôi cho rằng vì lợi ích quốc gia, ta cần thực tế, nếu không sẽ dễ thua thiệt.

‘Người giỏi có cơ hội… cứ để họ đi’

"Tại sao không nghĩ đến chuyện kéo người giỏi của nước ngoài về VN làm việc và ở mặt ngược lại, những người Việt giỏi, nếu họ có cơ hội đi, hãy để họ đi".

‘Sinh viên thất nghiệp nhiều, hiệu trưởng nên… nghỉ’

"Chúng ta có nhiều trường tệ, theo nghĩa học đại học ở đó ra cũng không làm được việc, mà chỉ lấy một cái danh đại học".

Toàn xe siêu sang: Ai nói Việt Nam nghèo?

Người Việt đôi lúc hãnh diện khi nói về số lượng xe sang – chỉ số nói lên độ ăn chơi của giới nhà giàu Việt và không quên bình luận thêm “ai bảo VN mình nghèo?