Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất 2% đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất đến cuối tháng 8/2022 đạt khoảng 13,5 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai có nhiều e ngại từ cả phía các ngân hàng thương mại lẫn khách hàng.

Ngân hàng e ngại

Theo ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), vấn đề e ngại nhất với các ngân hàng là đối tượng cho vay theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, thuộc các lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin,... Tuy nhiên, nhiều DN vay vốn lại đang kinh doanh đa ngành. Vì vậy, việc xác định sử dụng vốn vay gói hỗ trợ lãi suất 2% rất khó khăn.

Rất khó bóc tách được chi phí đầu vào, cũng như chứng từ chứng minh vốn vay được sử dụng cho đúng lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Nếu không bóc tách được, sau này đến thời điểm quyết toán, kiểm toán, thanh tra,... rất có thể bị coi là cho vay không đúng đối tượng, phải thu hồi thì rất phức tạp, ông Trung bày tỏ lo ngại.

Trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, có nhiều e ngại từ các ngân hàng thương mại.

Ông Phạm Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, theo quy định, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, thời điểm xét duyệt có những khách hàng được ngân hàng đánh giá là khỏe mạnh, có khả năng hồi phục nên cho vay. Nhưng sau đó, DN có thể gặp những khó khăn khách quan, dẫn đến không phục hồi được. Vì thế rất đáng lo, nếu bị quy là cho vay không đúng đối tượng.

Ngoài ra, mỗi ngân hàng lại có một tiêu chí khác nhau để đánh giá về khả năng phục hồi của khách hàng. Vì vậy, có khách hàng không được ngân hàng này cho vay nhưng có thể lại được ngân hàng khác đồng ý. Điều này sẽ gây ra những rắc rối khi kiểm tra, thanh tra, có thể đem đến những bất lợi cho các cho ngân hàng.

Còn ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) cho hay, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt, với các ngành nghề, lĩnh vực được quy định cho vay hỗ trợ và không thể tách bạch chi tiết theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng cho vay. Chỉ lo sau này bị cho là xác định sai đối tượng.

Một số ngân hàng phản ánh, từ gói cho vay hỗ trợ hồi năm 2009 đến nay, nhiều khoản vay lên tới hàng tỷ đồng mỗi khách hàng chưa thu hồi được. Có DN không còn tồn tại, nhưng cũng có những DN vẫn đang hoạt động mà không thu hồi được vốn, nên ngân hàng không thể quyết toán được.

Ngoài ra, theo quy định chỉ những hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh mới được vay gói hỗ trợ, trong khi có nhiều hộ kinh doanh không đăng ký rất cần vốn lại không được vay. Cùng với đó, những khách hàng đã được cơ cấu lại nợ trong thời gian qua thì không thuộc đối tượng cho vay của gói hỗ trợ này, họ rất cần vốn để phục hồi thì bị loại ra. Do đó, những đối tượng đủ điều kiện để vay gói hỗ trợ lãi suất 2% không còn nhiều.

Doanh nghiệp không hào hứng

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung chia sẻ, vừa qua Vietinbank đã rà soát và lọc ra các khách hàng đủ điều kiện để cho vay gói hỗ trợ lãi suất, tiếp cận mời họ vay nhưng nhận được lời từ chối rất nhân văn là: “để dành nguồn lực cho Nhà nước lo việc khác”. Thực ra, họ không muốn vay, bởi hỗ trợ lãi suất 2%, tính ra không nhiều mà thủ tục phức tạp, sau này còn phải quyết toán, phải chứng minh vay vốn sử dụng đúng ngành nghề được hỗ trợ, bị thanh tra, kiểm tra… nên rất ngại.

Nhiều DN không hào hứng với gói vay vốn được hỗ trợ lãi suất 2%.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đánh giá, nhiều DN khó khăn khi hết cơ hội tiếp cận tín dụng, tuy nhiên họ lại không mặn mà với vay gói hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thương mại sau khi gửi thông tin đến khách hàng chỉ nhận được khoảng 30-40% phản hồi, chưa ngân hàng nào nhận được quá 50% phản hồi. Với nhiều DN lúc này, họ muốn được nhà băng ưu tiên cho vay vốn hơn là vay gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thủ tục từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… của gói hỗ trợ này khá phức tạp, phải qua nhiều khâu, nhiều bộ, ngành quản lý. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng,... đều có thể kiểm tra hồ sơ của khoản vay được hỗ trợ lãi suất bất cứ lúc nào. Đây chính là nguyên nhân khiến khách hàng e ngại, phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Một DN chia sẻ không hào hứng gì với gói vay vốn được hỗ trợ lãi suất 2%. Kinh nghiệm cho thấy thủ tục phức tạp chưa phải là vấn đề lớn mà nằm ở sau đó. Phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các đoàn khảo sát, đánh giá... không phải một lần, có khi cả chục lần, thậm chí  kéo dài nhiều năm là nỗi ám ảnh với họ. Giả sử DN thiếu một hóa đơn, hoặc một giấy tờ nào đó bị sai chính tả, sẽ khốn khổ ngay.

Các ngân hàng thương mại đang phải đẩy mạnh truyền thông để tuyên truyền, giải thích, nhằm xóa bỏ tâm lý e ngại và giúp khách hàng nhận thấy lợi ích thực sự từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng có nghịch lý là nhiều DN muốn được vay gói hỗ trợ thì không đủ điều kiện, trong khi những DN đủ điều kiện lại không muốn vay.