Khó tiếp cận

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% tới các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Có 44 ngân hàng thương mại tham gia, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2022 là hơn 16 nghìn tỷ đồng và năm 2023 là gần 24 nghìn tỷ đồng.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm được kỳ vọng sẽ giúp các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid, tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, để hồi phục sản xuất kinh doanh và phát triển.

Tuy nhiên các DN nhỏ và vừa cho biết rất khó để tiếp cận gói hỗ trợ này. Một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. DN phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi vay, không phải cứ khó khăn là được hỗ trợ. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đây chính là điểm hạn chế của gói hỗ trợ. Khi các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực cho vay an toàn thì các DN nhỏ và vừa, yếu kém thua lỗ, không có tài sản bảo đảm sẽ không thể tiếp cận được.

Các DN nhỏ và vừa khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai có hơn 500 hội viên, đa số là những DN nhỏ, doanh thu chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Hầu hết các DN đều ít vốn, chỉ đủ mua một miếng đất, xây hoặc thuê nhà xưởng rồi mua máy móc sản xuất là cạn tiền. Hai năm qua bị đại dịch Covid làm cho khốn đốn, nhiều DN đã cạn vốn. Giờ thấy có gói hỗ trợ lãi suất 2% thì rất mừng nhưng không còn tài sản đảm bảo để thế chấp vay ngân hàng. Một số DN phải vay vốn bên ngoài với lãi suất rất cao.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc HTX nông nghiệp chuyên trồng cây ăn quả tại Thanh Hoá, cho biết, hợp tác xã xây dựng hệ thống nhà kính trồng cây theo tiêu chuẩn VIETGAP được 2 năm thì dịch Covid xảy ra. Trước khi có dịch, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu xuất bán cho cơ sở kinh doanh hoa quả, rau an toàn, hữu cơ tại Hà Nội. Sau đại dịch, cần vay vốn nhưng đa số tài sản đảm bảo đã thế chấp hết cho ngân hàng rồi. Khi nghe nói gói vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2%, ông có tìm hiểu nhưng khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, dòng tiền.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng, thời điểm này nhu cầu vay vốn của DN tăng mạnh nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%, nếu DN được vay thì rất tốt.

Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh tiếp cận không dễ, họ đã hỏi các ngân hàng và biết điều kiện vay vẫn như trước đây thậm chí còn chặt chẽ hơn. Những DN không có lãi, không có tài sản thế chấp… thì không thể đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, các DN du lịch hiện không có tài sản lớn, hai năm qua không hoạt động nên không có lãi sẽ không thể vay được.

Khó khăn lớn 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã lên tới 8,16%. Nhiều ngân hàng sắp sử dụng hết room tín dụng, có quảng cáo rầm rộ cũng chẳng thể giải ngân được nhiều. Hơn nữa, xét về lợi nhuận, những ngân hàng cho vay gói hỗ trợ này phải có lãi suất thấp. Nếu cùng một số tiền như thế tìm được khách hàng cho vay lãi cao hơn, tội gì cho vay gói này với lãi suất thấp.

DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, từ lâu đã rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, có 46,85% số DN cho hay gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trong số này, 81% cho biết không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp.

Tìm kiếm nguồn vốn là khó khăn hàng đầu của DN nhỏ và vừa Việt Nam.

Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, tín dụng cho DN nhỏ và vừa chiếm 19,34% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này khá thấp so với tỷ lệ DN nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số DN đang hoạt động.

Còn theo khảo sát từ Công ty tư vấn McKinsey cách đây hơn 2 năm, DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới 21 tỷ USD (khoản vốn thiếu hụt). Tuy nhiên, có tới 98% DN trong số đó khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Trả lời chất vấn của các đại biểu trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận, DN nhỏ và vừa có nhiều điều kiện hạn chế như tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa... nên mức xếp hạng tín nhiệm chưa cao. Vì vậy, nhiều DN không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các ngân hàng cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.

Việc tìm kiếm nguồn vốn là khó khăn hàng đầu mà DN nhỏ và vừa Việt Nam gặp phải, sau đại dịch Covid còn khó khăn hơn. Cả nước hiện có 29 Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, tuy nhiên khảo sát cho thấy, chỉ có 7,34% DN đã tiếp cận được tín dụng thông qua Quỹ này. Đây là con số rất nhỏ, thể hiện hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận vốn không hiệu quả.

Tỷ lệ DN tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khác như: công ty cho thuê tài chính hoặc các quỹ tín dụng nhân dân cũng chỉ chiếm khoảng 11%. Trong khi đó, đa số DN nhỏ và vừa không thể phát hành trái phiếu, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn.

Để có vốn, 51% DN huy động vốn qua bạn bè hoặc người thân, 18% vay từ các DN khác. Đáng chú ý, gần 4% DN chấp nhận vay từ tín dụng đen. Các khoản vay tín dụng đen có lãi suất trên 60%/năm, gấp hơn 6 lần so với lãi suất trung bình khi vay từ các ngân hàng.

Ông Phạm Ngọc Hưng đề nghị nếu DN không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất thì cần được bảo lãnh tín dụng. Cần xem phương án của DN có tạo ra dòng tiền trả nợ không, nếu phương án tốt nên cho vay.

Trần Thủy

Vay tiền qua app - một cổ nhiều tròng

Không cần thế chấp, chỉ cần CMND, lãi suất không đồng là những cam kết mà đơn vị cung cấp các app vay tiền đưa ra để thu hút người vay tiền.