Được biết, nền tảng Cloud của Google hiện đã được đưa vào hoạt động tại 13 khu vực bao gồm: Tokyo, Đài Loan, Mumbai, Singapore, Sydney, London, Belgium, Frankfurt, Sao Paulo, Oregon, Iowa, Bắc Virginia và Nam Carolina. Công ty này ước tính hiện mạng lưới của họ đảm nhiệm đến 25% toàn bộ lưu lượng internet.
Nền tảng này sẽ được mở rộng sang Hongkong, Los Angeles, Montreal, Hà Lan và Phần Lan. Điều đó có nghĩa là các công ty trong khu vực đã và đang sử dụng nền tảng Cloud của Google để làm máy chủ sẽ có thể vận hành với hiệu suất cao hơn và khả năng bị gián đoạn dịch vụ thấp hơn nhiều.
Người phát ngôn của Google cho biết: "Nhìn chung, việc mở rộng nền tảng Cloud sẽ giúp kết nối của mọi người dùng và khách hàng nhanh hơn và đáng tin cậy hơn". Đồng thời, những khu vực mới sẽ "mang lại cho khách hàng hiệu suất hoạt động cao hơn, khả năng điện toán cục bộ cao hơn, cùng với tính linh hoạt trong triển khai và mở rộng các ứng dụng và dữ liệu được nâng lên nhiều lần".
Google cũng đang xây dựng, hoặc đang tham gia xây dựng 3 tuyến cáp mới dưới đáy biển, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019. Khách hàng tại các khu vực nơi các tuyến cáp này được kết nối sẽ được trải nghiệm các dịch vụ của nền tảng Cloud và G Suite nhanh hơn và tốt hơn, bởi lưu lượng mạng và kết nối được tăng cao.
Ba tuyến cáp mới này sẽ bổ sung vào 8 tuyến cáp khác do Google trực tiếp đầu tư, cũng như rất nhiều tuyến cáp mà công ty này thuê để tăng lưu lượng. Google còn đầu tư vào Indigo - tuyến cáp kết nối Úc, Indonesia và Singapore, và PLCN - tuyến cáp kết nối Hongkong và Los Angeles. Cả hai tuyến cáp nêu trên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019.
Trong số 3 tuyến cáp mới mà Google xây dựng thì cáp Curie là tuyến cáp duy nhất thuộc sở hữu tư nhân của Google. Google sẽ trở thành công ty không hoạt động trên lĩnh vực viễn thông duy nhất trên thế giới xây dựng một tuyến cáp biển tư nhân xuyên lục địa.
Là chủ sở hữu duy nhất, Google sẽ có toàn quyền điều khiển đối với thiết kế và quá trình xây dựng của Curie. "Một khi đã đi vào thực hiện, chúng tôi có thể thường xuyên đưa ra các quyết định nhằm tối ưu độ trễ và khả năng hoạt động của nó" - Google cho biết.
Google còn đang hợp tác với Facebook, nhà cung cấp mạng lưới dưới đáy biển Aqua Comms, và tập đoàn công nghiệp Bulk Infrastructure trong việc xây dựng tuyến cáp Havfrue kết nối phía Đông nước Mỹ với Đan Mạch và Ireland.
Được biết, Google đã chỉ định nhà cung cấp các hệ thống liên lạc dưới đáy biển TE Connectivity để xây dựng tuyến cáp. TE cho biết đã bắt đầu công đoạn tìm kiếm các tuyến đường tiềm năng để đặt tuyến cáp.
Google cũng hợp tác với công ty hạ tầng viễn thông RTI Connectivity và nhà cung cấp IT NEC Corporation trong việc xây dựng tuyến cáp HK-G Cable kết nối Hongkong với đảo Guam. Tuyến cáp này sẽ giúp mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc giữa châu Á và Mỹ.
Tất cả những việc này đều cho chúng ta biết một điều: Google đang vươn tay ra toàn thế giới, và với tốc độ rất nhanh.
Theo GenK