- Em và Chồng em cưới nhau vào tháng 9/2007 dương lịch, nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký kết hôn. Tháng 2/2012 em sinh được 1 bé gái đã đăng ký khai sinh cho bé có tên của cha. 

TIN BÀI KHÁC:


Nay cuộc sống gia đình không hạnh phúc vì chồng có mối quan hệ khác bên ngoài, thường cãi nhau và đánh đập vợ vì má chồng ở chung nên cũng biết điều đó.

Nếu em muốn ly hôn, em có được nuôi con không? Còn tài sản do anh đứng tên gồm 3 căn nhà, 1 mảnh đất. Trong đó có 1 căn nhà mua sau khi cưới em vào năm 2008 nhưng anh vẫn đứng tên. Trong sổ hộ khẩu gia đình có tên anh và em gái anh, em gái anh đã có chồng và 2 con nhưng chưa tách hộ khẩu, còn em vẫn còn chung hộ khẩu với gia đình em. Xin luật sư tư vấn giúp. Em thành thật cảm ơn…

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:

- Về quan hệ chung sống như vợ chồng:

Mặc dù chị và chồng chị chung sống với nhau, có tổ chức đám cưới vào tháng 9/2007 nhưng hai anh chị không đăng ký kết hôn thì mối quan hệ giữa hai anh chị sẽ không được công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp (không được pháp luật công nhận là vợ chồng). Bởi lẽ, căn cứ theo Điểm 3 Thông tư 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội “Về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình” thì “Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu một trong các bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung”.

Theo quy định này thì khi chị có yêu cầu ly hôn - Tòa án sẽ tuyên bố không công nhận anh chị là vợ chồng.

- Về quan hệ nuôi con và chia tài sản:

Khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân gia đình 2000 quy định như sau: “Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con”.

Về quan hệ nuôi con:

Vì trong giấy khai sinh của con gái chị đã có tên cha nên chồng chị có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một người cha đối với con.

Tuy anh chị không có đăng ký kết hôn, không được công nhận là vợ chồng hợp pháp nhưng theo quy định trên thì quyền lợi của con chị sẽ được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Cụ thể, Điều 92 Luật Hôn nhân gia đình 2000 quy định: “1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con; 2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.

Do đó, nếu 2 anh chị đã không chung sống với nhau thì về nguyên tắc con của chị (dưới ba tuổi) sẽ được giao cho chị nuôi và chồng chị phải cấp dưỡng nuôi con.

Về tài sản:

Tài sản do chồng chị đứng tên gồm 3 căn nhà và 1 mảnh đất. Trong đó có 1 căn nhà do chồng chị đứng tên kể từ khi 2 anh chị vừa về sống chung với nhau. Như vậy theo quy định trên thì việc phân chia tài sản sẽ được giải quyết như sau: “Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con”.

Vì thế, những tài sản do chồng chị đứng tên trước khi 2 anh chị sống chung được xem như là tài sản riêng của chồng chị; còn căn nhà do chồng chị mua trong thời kỳ chung sống với chị - dù do chồng chị đứng tên nhưng nếu chị chứng minh được có sự đóng góp của mình trong khối tài sản này thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết chia tài sản chung (trong trường hợp anh chị không thỏa thuận được việc phân chia). Nếu chị không chứng minh được có phần đóng góp của mình (khi mua hoặc sửa chữa trong quá trình sử dụng) thì đó là tài sản riêng của chồng.

Đức Toàn (ghi)

Tư vấn bởi LS Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật (ĐT: 0906633168-08.62906422).

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).