Mới đây, tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu chỉ đạo đã đề cập 3 trụ cột mang tính chiến lược. Đó là: xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở; kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ.

Để thực hiện được 3 trụ cột đó, Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công sở. “…bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên soi vào. Nếu gương mà bẩn thì mặt người soi nhìn cũng không hay ho gì”, Thủ tướng nói.

Cán bộ thiếu gương mẫu khó có văn hóa công sở

Hơn mười năm trước, Chính phủ cũng từng ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc xây dựng văn hóa công sở chưa đạt được như mong muốn, thậm chí có những vấn đề đáng báo động trong ứng xử nơi cơ quan công quyền.

Đó là thói quan liêu, cửa quyền, hách dịch; coi thường dân; vô cảm, vô trách nhiệm với chức trách nhiệm vụ được giao; chỉ chăm lo vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong một môi trường làm việc mà ứng xử của người cán bộ, người lãnh đạo như thế, thật khó có cái gọi là văn hóa công sở đích thực.

Do đó muốn có văn hóa công sở, trước hết và quan trọng nhất vẫn là vai trò của người đứng đầu thông qua phương cách như điều mà chính Thủ tướng đã nhấn mạnh: Nêu gương.

Không ít cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan ban ngành hiện nay, gương của họ là thứ gương mà “mặt người soi nhìn cũng không hay ho gì”. Không khó để nhận ra những “tấm gương” như thế ở các cơ quan, đơn vị.

Chưa bàn đến chuyện tham nhũng, lãng phí, lạm quyền,… chỉ riêng việc ứng xử thôi cũng đã thấy nhiều vị bây giờ thật đa sắc đa thanh. Có vị “mặt kênh kiệu”, có vị hách dịch, quan liêu, có vị chửi cấp dưới và nhân viên như hát hay, có vị lại chính là trung tâm mất đoàn kết nội bộ... 

{keywords}
Cán bộ lãnh đạo mà quan liêu hách dịch thì làm gương thế nào? Ảnh minh họa

Trong cơ quan, các vị là người trước hết nắm rất chắc luật pháp, chỉ thị, nghị quyết, nghị định; thuộc làu Quy định về những điều đảng viên không được làm nhưng buồn thay, chính các vị lại là người đầu tiên vi phạm.

Hàng loạt vụ tham nhũng, lãng phí, lạm quyền bị phanh phui từ trước tới nay, “đầu têu” chủ yếu vẫn là cán bộ có chức quyền. Ngoài những trường hợp bị khởi tố, kỷ luật cách chức… còn thì không ít vị “thoát hiểm” một cách ngoạn mục dù sai phạm nghiêm trọng nhưng chỉ phải “kiểm điểm rút kinh nghiệm”, khiển trách hay cảnh cáo. Họ vẫn đương chức, thậm chí có trường hợp còn được thăng lên cao hơn. Thử hỏi “gương” của họ là gương gì? Ai dám soi vào để mà noi theo?

Có những cơ quan mà môi trường làm việc đáng nhẽ phải là hình mẫu về văn hóa ứng xử, vậy mà cán bộ lãnh đạo ở đó lại có tầm văn hóa nói theo ngôn ngữ đại chúng là “lùn”.

Ví như ông Nguyễn Văn Dũng, chưa tốt nghiệp THPT thế mà vẫn có học vị cử nhân tiểu học, có bằng cao cấp chính trị và leo đến chức Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau). Khi bị phát hiện, ông Dũng chỉ tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và Chi bộ Phòng GD&ĐT nơi ông làm bí thư cũng… hoàn toàn nhất trí. Nếu chịu hình thức kỷ luật đó, ông Dũng vẫn yên vị trên ghế trưởng phòng, và tiếp tục “nêu gương” trong phong trào xây dựng văn hóa công sở tại cơ quan quản lý giáo dục của cả một huyện!

Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ sai phạm, yếu kém

Cán bộ lãnh đạo phải là người đầu tiên và số một thể hiện được những chuẩn mực “văn hóa công sở” bằng cách lan tỏa về đạo đức, tư cách của chính mình.

Những cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức tư cách; những cán bộ yếu kém đương nhiên không còn uy tín, niềm tin trong con mắt quần chúng. Nếu họ cứ khư khư giữ ghế thì cá nhân họ vô hình trung, tự phô tấm gương mà “mặt người soi nhìn cũng không hay ho gì”.

Ở những cơ quan có cán bộ lãnh đạo như thế, văn hóa công sở tồn tại không? Xin thưa là có, nhưng đấy là thứ văn hóa hình thức, mang vẻ ngoài đạo mạo cà vạt, áo cổ cồn nhưng bên trong là sóng ngầm theo kiểu bằng mặt không bằng lòng.

Muốn xây dựng văn hóa công sở đích thực, họ - những cán bộ thoái hóa, biến chất - hoặc là tự giác, hoặc là tổ chức kiên quyết loại bỏ, nhẹ thì rời ghế lãnh đạo, (nếu còn tâm huyết họ có thể làm lại từ đầu), nặng thì sa thải.

Trao đổi với một tờ báo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Khi đã xác định được anh có những hành vi phạm, mất uy tín thì không nên để trong bộ máy nữa, sa thải ngay”.[1]

Phong trào xây dựng văn hóa công sở sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn nếu không có giải pháp đồng bộ với khâu tổ chức cán bộ. Cơ hội thanh lọc cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất đang nằm trong tay các cấp ủy đảng trong bối cảnh toàn Đảng đang tích cực chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp sắp tới.

Nguyễn Duy Xuân
------
[1]. Cán bộ, công chức sai phạm, mất uy tín phải mạnh tay gạt khỏi bộ máy, Báo Giáo dục, 19/05/19.